Từ bao đời nay, tâm lý làm cả năm xả hơi mấy ngày Tết trở thành thói quen, nếp nghĩ của nhiều người. Tình trạng vui xuân quá đà của không ít người dân cũng gây áp lực cho các bác sĩ ở những bệnh viện tuyến tỉnh khi phải thường trực sẵn sàng cấp cứu ca bệnh do xuất huyết dạ dày, ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông...
Gác niềm vui riêng, ưu tiên nhiệm vụ
Tết cổ truyền là dịp người dân sum họp gia đình song các y, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến tỉnh luôn trong tâm thế sẵn sàng trắng đêm với ca trực. Bệnh nhân vào viện trong dịp Tết phần lớn là ca nặng, ranh giới sinh - tử mong manh vì vậy không khí làm việc ở Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) luôn căng thẳng.
Nhớ lại những buổi trực Tết trước đây, bác sĩ Phạm Tùng Sơn, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho hay, từ đêm 30 Tết đến 7 giờ sáng ngày mùng 1 là thời gian bệnh nhân vào viện dồn dập, đa số là những ca nặng vì tai nạn giao thông, ngộ độc rượu hay đột quỵ... ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Những năm trước, mỗi ngày Khoa tiếp nhận từ 60-100 bệnh nhân cấp cứu, dự báo năm nay số ca nhập viện sẽ tăng do hoạt động đi lại, vui chơi, ăn uống tập trung của người dân diễn ra dồn dập trong các ngày Tết.
Lường trước số lượng bệnh nhân vào tăng cao, để giảm áp lực quá tải cho y, bác sĩ, năm nay Bệnh viện tăng cường thêm bác sĩ trực đêm giao thừa và 3 ngày Tết. “Ngày thường cũng như ngày Tết, các cán bộ, nhân viên ở Khoa luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân 24/24 giờ với nỗ lực để làm sao cấp cứu ca bệnh nhanh nhất, hiệu quả nhất”, bác sĩ Phạm Tùng Sơn cho biết.
Nhân viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) chụp cắt lớp vi tính mạch máu não cho bệnh nhân.
Ở Khoa Cấp cứu bệnh nhân đông lại thêm những lời hối thúc, yêu cầu từ người nhà khiến không khí nơi đây lúc nào cũng căng như dây đàn. Có khi bác sĩ vừa xử lý ca tai nạn giao thông điều chuyển lên phòng mổ thì bệnh nhân khác được người nhà vội vã đưa vào trong tình trạng đa chấn thương do đốt pháo. Bác sĩ Sơn lại nhớ có lần các bác sĩ gặp ca ngộ độc rượu bị xuất huyết tiêu hóa nặng nôn ra máu lẫn rượu nồng nặc, nhịp tim rời rạc phải đặt nội khí quản. Trong khi các bác sĩ đang nỗ lực tìm cách cứu chữa thì bên ngoài người nhà đứng vây kín cửa ra vào liên tục có lời lẽ hối thúc khiếm nhã khiến kíp trực phải từ tốn giảng giải, phân tích nhiều lần, thậm chí phải nhờ bảo vệ, công an khu vực có mặt can thiệp. Trực Tết vất vả, áp lực bội phần song các bác sĩ luôn nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, dẫu khó khăn vẫn không bỏ cuộc, nỗ lực đến cùng để giành sự sống cho người bệnh.
Dịp Tết Nguyên đán này, Sở Y tế và các cơ sở y tế thông báo công khai số điện thoại lãnh đạo, bác sĩ thường trực hằng ngày trên website của đơn vị để nhanh chóng tiếp nhận thông tin, sẵn sàng ứng trực, chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn và xử lý cấp cứu kịp thời.
Ngoài các kíp trực theo kế hoạch, tăng cường bác sĩ ở bộ phận cấp cứu, Tết Nguyên đán năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập 2 tổ cấp cứu lưu động. Mỗi tổ gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và một nhân viên lái xe có nhiệm vụ tham gia cấp cứu trong tình huống đột xuất xảy ra ngoài bệnh viện hoặc hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Năm nay, điều dưỡng Ngô Văn Thái có tên trong danh sách tổ cấp cứu lưu động số 2. Anh tâm sự, Tết đến mọi người được sống trong cảm giác thư thái, quây quần bên gia đình thì cán bộ, nhân viên y tế dù đang ngồi trong mâm cơm gia đình vẫn luôn mang theo chiếc điện thoại bên mình, sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi từ đồng nghiệp. Cũng như mọi năm, thành viên tổ cấp cứu lưu động ít khi được thảnh thơi nghỉ ngơi cùng gia đình hoặc đi du lịch đây đó. Chuyện ăn Tết và chơi Tết đều chừng mực bởi rất có thể cuộc vui mới bắt đầu thì đồng nghiệp gọi và các anh lại vội vã lên đường.
Chỉ mong người dân khỏe mạnh
Tết này là cái Tết thứ 18 bác sĩ Hoàng Mạnh Long, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) trực Tết. Toàn viện có 512 cán bộ, nhân viên y tế trong đó 126 bác sĩ nhưng chỉ có 7 bác sĩ gây mê. Trung bình mỗi ngày, bác sĩ gây mê tham gia từ 8-13 ca mổ, có ca phức tạp thời gian phẫu thuật kéo dài đến 3-4 giờ. Đứng liên tục và làm việc căng thẳng khiến có thời điểm nhiều bác sĩ mệt mỏi vì quá tải. Để có đủ sức khỏe đảm nhận hết các ca phẫu thuật thuộc lĩnh vực sản - phụ, nhi khoa, bộ phận gây mê luôn phân công, sắp xếp công việc hợp lý, nhất là vào ngày nghỉ Tết cổ truyền.
Bác sĩ Hoàng Mạnh Long (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp trong một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang.
“Ai cũng muốn đoàn tụ bên gia đình trong ngày xuân mới, chúng tôi ưu tiên đồng nghiệp không cư trú tại thành phố hoặc quê xa được trực sớm và nghỉ Tết để có điều kiện về quê thăm người thân”, bác sĩ Long chia sẻ. Chạnh lòng khi không được ở bên gia đình đón giao thừa nhưng họ vẫn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, tìm niềm vui trong công việc bằng cách áp dụng phác đồ điều trị bệnh hiệu quả, giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch.
Năm nay bác sĩ Nguyễn Minh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang nhận ca trực từ tối 30 đến sáng ngày mùng 1 Tết. Anh chia sẻ chuyện làm việc và đón giao thừa tại bệnh viện đã trở nên quen thuộc. Những năm gần đây, người dân dần xóa bỏ tâm lý kiêng đi viện ngày Tết. Do các phòng khám tư nhân đóng cửa nên đa số người thân sẽ đưa bệnh nhân lên tuyến tỉnh khám, điều trị. Ngày Tết phải đi viện khiến nhiều người có cảm giác lo lắng, xót xa hơn, đặc biệt là quan niệm xa xưa “chửa đẻ là cửa mả” hàm ý nhiều rủi ro khó lường vẫn ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người. Bác sĩ Cường và đồng nghiệp luôn động viên người bệnh yên tâm đồng thời xác định mỗi ca bệnh được cứu chữa, nhất là phẫu thuật cấp cứu thành công là giữ lại được một cuộc đời vì thế luôn tự nhủ nỗ lực hết mình. Niềm vui đón xuân mới là khi các bác sĩ đón những em bé khỏe mạnh chào đời, mẹ tròn con vuông trong niềm hân hoan của người thân, gia đình.
Trực Tết khó khăn song bao năm qua ở các các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang chưa có nhân viên từ chối nhiệm vụ. Với mong muốn động viên cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ trong dịp Tết Quý Mão, mới đây, Sở Y tế tổ chức các đoàn đến kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán đồng thời thăm hỏi, động viên nhân viên y tế. Dịp này các bệnh viện quan tâm trích kinh phí hỗ trợ, tổ chức gặp mặt chúc Tết tại viện. Mỗi khoa, phòng đều có bánh kẹo, cành đào hoặc cây quất nhỏ trang trí tại phòng giao ban mang không khí xuân mới, đồng thời phần nào xua tan áp lực căng thẳng của bác sĩ làm việc trong những ngày Tết cổ truyền.