Bắc Giang: Triển khai kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022 - 2030
Ngày đăng:09-01-2023
Ngày 05/01/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND về bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 - 2030.
Người dân làng Kế làm bánh đa kế quanh năm.
Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển 27 làng nghề hiện có trên địa bàn tỉnh, khuyến khích phát triển các làng nghề mới; đầu tư hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm các làng nghề, làng nghề truyền thống và khôi phục, bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi, người có tay nghề cao; phát triển làng nghề có điều kiện gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, đến năm 2025, thực hiện duy trì, hỗ trợ bảo tồn, phát triển đối với các làng nghề đã được công nhận hoạt động hiệu quả; đồng thời thu hồi Giấy chứng nhận các làng nghề không đạt tiêu chí, hoạt động kém (nếu có). Có khoảng 60% trở lên làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận hoạt động hiệu quả. 80% người lao động trong các làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản. Có khoảng 22 sản phẩm làng nghề được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Có khoảng 35% số làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu. Thu hút khoảng 10% lao động tăng thêm hàng năm tham gia vào các hoạt động ngành nghề nông thôn trong làng nghề. 100% làng nghề, làng nghề truyền thống phê duyệt Phương án bảo vệ môi trường; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Đến năm 2030 tiếp tục duy trì, hỗ trợ bảo tồn, phát triển đối với các làng nghề đã được công nhận. 100% người lao động trong các làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản. Khoảng 70% làng nghề đã được công nhận hoạt động hiệu quả. Khoảng 30 sản phẩm làng nghề được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Khoảng 45% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu. Thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2021. Thu hút khoảng 15% lao động tăng thêm hàng năm tham gia vào các hoạt động ngành nghề nông thôn trong làng nghề. Có 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường...