Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo công tác trên lĩnh vực Tài nguyên Môi trường
Ngày đăng:01-07-2016
Ngày 16/6/2016, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tổ chức buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để nghe báo cáo về tình hình quản lý đất đai, công tác bảo vệ môi trường và việc tham mưu chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Sau khi nghe báo cáo của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo:
1- Thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong tỉnh; nỗ lực, cố gắng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, công tác tham mưu, phối hợp quản lý nhà nước và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai, môi trường còn không ít khó khăn, hạn chế.
2- Là một trong những cơ quan chuyên môn tham mưu đa ngành, lĩnh vực, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của địa phương; thời gian tới, đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh bám sát chức năng, nhiệm vụ và tinh thần Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020 của tỉnh để xác định những nhiệm vụ trọng tâm và tập trung triển khai thực hiện, nhất là một số nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai, môi trường sau:
2.1- Trong lĩnh vực đất đai:
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng; là quy hoạch nền tảng trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương; có mối quan hệ chặt chẽ với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực khác nên phải quan tâm hàng đầu và đi trước một bước. Vì vậy, Sở cần tập trung tham mưu điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối giai đoạn 2016-2020; nâng cao chất lượng thẩm định, tăng cường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp trong tỉnh, xác lập ổn định về mặt pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, làm cơ sở để tổ chức sử dụng đất một cách hợp lý, tiết kiệm, phát huy sự chủ động của các ngành, địa phương trong khai thác nguồn lực đất đai.
- Đẩy nhanh tiến độ công tác đo đạc, lập bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai, tiến tới số hoá dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, tích hợp, liên thông và thường xuyên cập nhật biến động để thuận lợi cho quản lý, minh bạch và gia tăng giá trị đất đai trong các giao dịch, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản. Thực hiện đấu thầu rộng rãi trong nước đối với các gói thầu đo đạc, chỉnh lý biến động bản đồ, số hoá chuyển hệ bản đồ địa chính.
- Chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân để phục vụ quản lý, đồng thời giúp người sử dụng đất yên tâm đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Khẩn trương tham mưu xử lý những vướng mắc trong việc chỉnh lý, cấp GCNQSDĐ sau dồn điền, đổi thửa; nghiên cứu đơn giản hoá quy trình, thủ tục trên cơ sở các nguyên tắc; đề xuất cơ chế tài chính giữa các cấp ngân sách phù hợp, tăng cường đấu giá các dịch vụ kỹ thuật địa chính liên quan. Quan tâm cấp GCNQSDĐ cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Chú trọng thanh tra việc cấp, phát, quản lý GCNQSDĐ của cơ quan nhà nước theo thầm quyền để phòng ngừa, xử lý các vi phạm.
- Tiến hành kiểm kê, thiết lập hồ sơ địa chính để quản lý chặt chẽ quỹ đất công (đất công cộng, đất công ích, đất chưa sử dụng, đất mới hình thành, đất dôi dư chưa được nhà nước thu hồi, đất nhà nước đã thu hồi, bồi thường, đất nghĩa trang, nghĩa địa,…). Tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất công trên địa bàn tỉnh; xác định rõ các nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan trong việc quản lý, khai thác, sử dụng đất công và biện pháp chế tài xử lý các trường hợp lấn, chiếm, cho thuê, sử dụng đất công trái quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát cụ thể những trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh theo Quyết định số 191/2012/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 của UBND tỉnh (đã hết hiệu lực) nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ, các trường hợp phát sinh mới về giao, bán đất trái thẩm quyền để báo cáo, tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh định hướng lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Luật Đất đai năm 2013; báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai; từng bước chuyển hoạt động đăng ký, giao dịch đất đai sang giao dịch điện tử, bảo đảm liên thông giữa các cấp, các ngành có chức năng quản lý liên quan nhằm kiểm soát việc sử dụng đất đúng mục đích và giám sát người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, hạn chế tối đa các giao dịch “ngầm” về đất đai và các phí không chính thức trong đăng ký đất đai.
- Chủ động đề xuất phát triển quỹ đất sạch. Quan tâm hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất theo quy định. Phối hợp rà soát việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân định kỳ và tham mưu xử lý các trường hợp vi phạm. Thường xuyên theo dõi biến động giá đất trên thị trường để kịp thời tham mưu điều chỉnh Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm hoặc trong từng trường hợp cụ thể.
2.2- Đối với công tác bảo vệ môi trường và dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
- Về dự thảo Nghị quyết, trên cơ sở đánh giá thực trạng môi trường trên địa bàn tỉnh, xác định những vấn đề cấp bách, tham mưu các nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường và tổng thể các giải pháp thực hiện liên quan để Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn 2016-2020, tạo chuyển biến rõ nét trong thực tế. Trong đó, cùng với lựa chọn mục tiêu khả thi, cần chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp về phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, trước tiên là môi trường nước; thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn; khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu; hoàn thiện hệ thống quy định, quy chế, văn bản quy phạm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt là các cơ chế, chính sách tài chính và giải pháp huy động nguồn lực xã hội bảo đảm;... Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm thực hiện của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương giám sát môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu đô thị, khu đông dân cư và trong hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện tốt Đề án quản lý, xử lý rác thải khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020; từng bước xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nhất là những vấn đề liên vùng, liên huyện.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, đề cao trách nhiệm hướng dẫn khi người dân, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục thẩm định, cấp phép, xác nhận về môi trường.
2.3- Chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra trong lĩnh vực đất đai, môi trường theo thẩm quyền; tăng cường phối hợp giữa các phòng, đơn vị thuộc Sở để lựa chọn nội dung thanh tra có trọng tâm, tập trung vào vấn đề nổi cộm; xử lý nghiêm và công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường.
Quan tâm phối hợp, nâng cao năng lực tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo đảm quan điểm xử lý thống nhất, phấn đấu hạn chế, chấm dứt các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp kéo dài trong lĩnh vực đất đai, môi trường.
2.4- Chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở, nhất là bộ phận trực tiếp làm nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Phối hợp bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức địa chính cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tham mưu cụ thể hóa chủ trương sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường để bố trí cán bộ hợp đồng làm công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã.
Tăng cường chế độ giao ban trong nội bộ Sở để đôn đốc tiến độ công việc, kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Có biện pháp quản lý chặt chẽ công chức, viên chức của Ngành trong thực thi công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những biểu hiện sách nhiễu, trường hợp vi phạm.
3- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo:
- Rà soát, điều chỉnh phân cấp quản lý về đất đai giữa cơ quan nhà nước các cấp hợp lý, bảo đảm sự kiểm soát, tránh buông lỏng, tránh chồng chéo. Chỉ đạo tham mưu ban hành Quy định quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất công trên địa bàn tỉnh. Tăng cường năng lực giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề xã hội liên quan đến đất đai của cơ quan nhà nước các cấp, nhất là ở cơ sở.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá mô hình lò đốt rác thải của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh để xem xét nhân rộng. Tập trung xây dựng mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải khu vực nông thôn thông qua các hợp tác xã, tổ, đội vệ sinh môi trường do địa phương quản lý; trình HĐND tỉnh xem xét tăng mức phí vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh phù hợp; có giải pháp nâng tỷ lệ hộ dân nộp phí và số xã có mô hình thu gom, vận chuyển rác thải thực hiện thu phí vệ sinh môi trường. Quy định đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt làm cơ sở để nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.
- Quy hoạch hệ thống nghĩa trang, cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, sớm quy hoạch quỹ đất, bố trí ngân sách các cấp phù hợp và lập danh mục dự án, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ để kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây mới, cải tạo, mở rộng; đồng thời, có lộ trình đóng cửa, di chuyển nghĩa trang, phần mộ riêng lẻ trong tỉnh theo quy hoạch, ưu tiên trước mắt ở khu vực đô thị./.