Kế hoạch phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2025
Ngày đăng:04-11-2022
Ngày 04/11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5545/KH-UBND về phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2025.
Ảnh minh họa.
Mục tiêu chung nhằm tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền mắc bệnh, mắc bệnh tại cộng đồng, tàn tật và tử vong do mắc các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn tâm thần khác (sau đây gọi chung là rối loạn sức khỏe tâm thần) nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.
Cụ thể đến năm 2025, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tăng cường phối hợp liên ngành, hoàn thiện các chính sách về phòng, chống rối loạn sức khoẻ tâm thần. 100% các huyện, thành phố có kế hoạch liên ngành phòng, chống rối loạn sức khoẻ tâm thần giai đoạn 2022-2025. 100% các huyện, thành phố triển khai đầy đủ các hoạt động để kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng rối loạn sức khoẻ tâm thần.
Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính để dự phòng mắc rối loạn sức khoẻ tâm thần. 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, phát hiện sớm rối loạn sức khoẻ tâm thần. Ít nhất 90% người từ 13 tuổi trở lên được truyền thông về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực phù hợp. Ít nhất 80% người từ 40 tuổi trở lên được truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn để biết theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm rối loạn sức khoẻ tâm thần. Giảm tỷ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam giới từ 18 tuổi trở lên còn dưới 35%; giảm tỷ lệ hiện uống rượu, bia ở người 13 đến 17 tuổi còn dưới 20%. Giảm tỷ lệ thiếu vận động thể lực ở người từ 18 tuổi trở lên còn dưới 22%.
Tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người có rối loạn sức khoẻ tâm thần. Ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh. Phát hiện được ít nhất 80% người mắc tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác. Quản lý điều trị ít nhất 85% người bệnh tâm thần phân liệt, 85% người bệnh động kinh và 50% người bệnh trầm cảm đã được phát hiện.
Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống rối loạn sức khoẻ tâm thần. 100% Trạm Y tế tuyến xã thực hiện dự phòng, phát hiện rối loạn sức khoẻ tâm thần. 100% TTYT huyện, thành phố có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh; 60% TTYT huyện, thành phố có cơ sở y tế thực hiện chẩn đoán, điều trị, quản lý cấp thuốc cho người bệnh trầm cảm và 50% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người mắc một số rối loạn sức khỏe tâm thần khác. 100% Trạm Y tế xã thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh; 50% Trạm Y tế xã quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh trầm cảm. 100% cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống rối loạn sức khoẻ tâm thần tại các tuyến được đào tạo tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, quản lý, chẩn đoán, điều trị bệnh theo quy định.
Phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo rối loạn sức khoẻ tâm thần và các yếu tố nguy cơ. 100% Trạm Y tế tuyến xã và các cơ sở y tế liên quan thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và thống kê báo cáo đầy đủ kết quả dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị và nguyên nhân tử vong do các rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định. 100% cán bộ đầu mối giám sát, thống kê báo cáo tại các tuyến được tập huấn về giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chính sách liên ngành; Truyền thông và nâng cao sức khỏe để giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng rối loạn sức khỏe tâm thần; Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý rối loạn sức khỏe tâm thần; Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; Phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin rối loạn sức khỏe tâm thần và yếu tố nguy cơ gây bệnh; Phối hợp, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước./.