Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới
Ngày đăng:08-08-2022
Thực hiện nghị quyết lần thứ XIII của Đảng về công tác văn học, nghệ thuật; từ ngày 02 - 05/8/2022, tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức hội nghị tập huấn "Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới".
PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tham dự hội nghị có PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; các ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và 275 học viên đến từ 29 đơn vị, tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị (sáng 02/8), PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nêu rõ, sau 2 năm bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, năm 2022, hội nghị tập huấn thường niên được tổ chức nhằm giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ nắm bắt tình hình, nâng cao nhận thức, năng lực quản lý và kỹ năng nghề nghiệp; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ công tác văn hóa - nghệ thuật từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021, trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi nhanh chóng, một số vấn đề đặt ra được xác định là quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay mà văn học - nghệ thuật có nhiệm vụ đặc biệt lưu tâm là: Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế; Phòng, chống dịch Covid-19, gắn với phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước; Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, đồng chí cũng cho rằng, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, đã xuất hiện những thách thức đòi hỏi văn học, nghệ thuật không ngừng phát triển, thích ứng, đổi mới...
Tại hội nghị tập huấn, các học viên được đội ngũ giảng viên trực tiếp tập huấn là các Giáo sư, Phó Giáo sư, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình có uy tín chuyên môn trong giới, các nhà lãnh đạo, quản lý dày dặn kinh nghiệm cả lý luận và hoạt động thực tiễn lần lượt nghiên cứu 7 chuyên đề: “Vấn đề xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay”; “Tiếp thu, vận dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay”; “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật - hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo văn học, nghệ thuật”; “Tình hình văn xuôi hiện nay”; “Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, những vấn đề đặt ra cho hôm nay và nhiều năm tới”; “Âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng” và “Nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật”.
Trong chương trình Hội nghị tập huấn, các đại biểu và học viên được tham quan thực tế tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du và Khu di tích Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu mộ 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong.
Qua 05 ngày học tập nghiêm túc, sáng 05/8/2022 lớp tập huấn đã hoàn thành chương trình, kế hoạch đặt ra. Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương đã nhấn mạnh: Mặc dù thời gian tập huấn không dài, không có nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu nhưng hội nghị đã giúp các học viên cập nhật về quan điểm, đường lối phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 và định hướng, giải pháp phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Học viên tiếp cận vấn đề xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; vấn đề tiếp thu, vận dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam; nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm quyền tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội Văn học, nghệ thuật; hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; nắm bắt thông tin về tình hình văn xuôi, tình hình âm nhạc trên không gian mạng hiện nay... Trên cơ sở đó, các đại biểu trao đổi kinh nghiệm xử lý một số vấn đề thực tiễn nhằm nâng cao năng lực xử lý các tình huống nảy sinh trong đời sống văn học, nghệ thuật ở các địa phương, đơn vị.