Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Ngày đăng:26-04-2016
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bắc Giang là địa bàn chiến lược quan trọng, một mặt trận quyết liệt.
Trong lúc Đảng bộ và nhân dân tỉnh đang tập trung sức lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), tình hình đất nước có những thay đổi đột biến.
Đầu năm 1965, chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam bị phá sản hoàn toàn. Từ chiến tranh đặc biệt chúng chuyển sang chiến tranh cục bộ. Đế quốc Mỹ và chư hầu được đưa ồ ạt vào miền Nam, hòng ngăn chặn sự tan rã của ngụy quân, ngụy quyền, tiến công tiêu diệt bộ đội giải phóng, dập tắt phong trào cách mạng.
Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964, tiếp đến ngày 7-2-1965 lấy cớ "trả đũa" cuộc tiến công của quân giải phóng miền Nam vào sân bay Pleiku, chúng ném bom ồ ạt ở miền Bắc; chính thức mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân đối với miền Bắc nước ta.
Cả nước bước vào thời kỳ mới, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (đặc biệt) tháng 3-1965 về tình hình và nhiệm vụ trước mắt, khẳng định: "Miền Nam là tiền tuyến lớn và miền Bắc là hậu phương lớn, nhưng hậu phương ấy cũng đang có chiến tranh hạn chế và đang trực tiếp chiến đấu" (1). Đảng quyết định miền Bắc chuyển sang thời chiến.
Tổ dân quân xã Dương Hưu (Sơn Động) bắn rơi chiếc máy bay A4E ngày 20 tháng 9 năm 1965
Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa III (tháng 4-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: "Dù Mỹ đưa thêm mấy chục vạn binh sĩ Mỹ và cố lôi kéo thêm quân đội các nước chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này, thì quân và dân ta cũng quyết thắng đánh chúng" (2) và "Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước" (3).
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và trước những hành động trắng trợn và tàn bạo của đế quốc Mỹ, ngày 8-8-1964, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp, ra Nghị quyết về nhiệm vụ của Đảng bộ trong giai đoạn mới là: "Thực hiện đầy đủ các yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, khẩn trương xây dựng lực lượng và đẩy mạnh công tác chuẩn bị chiến đấu, trước hết là khẩn trương làm mọi công tác phòng chống, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất, đồng thời đảm bảo mọi yêu cầu quốc phòng, tự lực cánh sinh, tin tưởng vào khả năng của mình, bất kỳ trong tình huống nào cũng phải chắc tay cày tay súng, đảm bảo chiến đấu thắng lợi, đảm bảo mọi sinh hoạt của nhân dân, bảo vệ kinh tế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc địa phương về mọi mặt. Ra sức phát triển sản xuất, quyết tâm xây dựng hậu phương vững mạnh để chiến đấu thắng lợi".
Ngày 27/3/1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị về công tác động viên thời chiến. Ở khắp nơi, từ thị xã, thị trấn, bản làng, tới các nông trường, xí nghiệp, trường học việc triển khai kế hoạch chiến đấu, đặc biệt là việc tổ chức lực lượng phục vụ chiến đấu chống Mỹ cứu nước được chuẩn bị rất khẩn trương. Toàn tỉnh đã huy động hàng triệu ngày công để làm đường giao thông, chuyển tải hàng vạn tấn hàng; đào gần 2 triệu hầm hố; tổ chức 600 tổ báo động phòng không. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã ủng hộ hàng nghìn cây tre, gỗ cùng hàng ngàn ngày công giúp bộ đội làm công sự, xây dựng trận địa, kéo pháo, tải đạn, ngụy trang. Tỉnh đã thành lập một số đơn vị pháo phòng không, 1.117 tổ dân quân tự vệ ngày đêm thường trực sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay Mỹ. Điển hình như: thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang) có 94 tổ với 568 súng các loại; Lạng Giang có 54 tổ với 514 súng các loại.
Chiếc máy bay thứ 1.300 bị quân dân Hà Bắc bắn rơi tại huyện Việt Yên
Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đánh trả hàng trăm đợt máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời quê hương, đất nước, bắn rơi tại chỗ hàng chục máy bay các loại, riêng Trung đoàn 261 đóng tại thị xã Bắc Giang đã bắn rơi 17 chiếc máy bay. Chiến thắng bắn rơi máy bay Mỹ của quân và dân tỉnh Bắc Giang đã góp phần vào chiến thắng chung của cả nước. Do đạt được nhiều thành tích trong chiến đấu, quân và dân tỉnh ta đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi và tặng Cờ luân lưu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Cùng với nhiệm vụ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực thi đua lao động, sản xuất, công tác, ra sức chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến với khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Thóc đủ cân, quân đủ số", "Toàn tỉnh ra quân, toàn dân ra trận", "Tất cả cho tiền tuyến và tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"... Tỉnh ta đã đưa tiễn hơn 70 nghìn thanh niên lên đường chiến đấu và đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho tiền tuyến. Hàng chục vạn lượt người tham gia xây dựng, đào đắp các công trình thủy lợi lớn như đào sông Bạch Đằng, đập Đá Ong, hồ Cấm Sơn và nhiều công trình thủy lợi khác đáp ứng nhu cầu nước tưới cho 25.000 ha đất nông nghiệp. Trong 8 năm (1965-1972), giá trị sản xuất lương thực đạt 2.884.764 tấn, bình quân đầu người đạt 2.368 kg. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp thu được 455.152.000 đồng. Giá trị tổng thu nhập nông - công nghiệp là 1.767.499.000 đồng.
Với những thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó: Tỉnh Bắc Giang, các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên và thị xã Bắc Giang; 21 xã, thị trấn; Phòng PA16, Công an tỉnh; Công an nhân dân huyện Lạng Giang được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý khác.
Phát huy truyền thống của quê hương, đất nước, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần đoàn kết một lòng, ra sức học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; kiên định mục tiêu lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
----------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2003, t.26, tr.110.