Phát huy vai trò của công tác tuyên giáo trong việc thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng:17-05-2022
Có thể khẳng định cùng với sự phát triển của nền văn minh lúa nước và sự phát triển đa dạng của nó thì nông nghiệp luôn luôn có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nông nghiệp vẫn được xác định giữ được vai trò là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế. Đây là một ngành kinh tế bao trùm, tạo việc làm, thu nhập và cuộc sống ổn định cho phần lớn người dân trong tỉnh.
Ảnh minh họa
Tỉnh Bắc Giang có dân số trên 1,84 triệu người, là tỉnh đông dân nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đông thứ 12 về số dân so với cả nước; diện tích tự nhiên 3.825,75 km², chiếm 1,2% diện tích tự nhiên của cả nước. Theo tài liệu năm 2020, trong tổng diện tích tự nhiên của Bắc Giang, đất nông nghiệp chiếm 32,4%; đất lâm nghiệp có rừng chiếm 28,9%; còn lại là đồi núi, sông suối chưa sử dụng và các loại đất khác. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp đa dạng, hiệu quả, phát huy tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Trong định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng tiếp tục xác định “Phát triển toàn diện các ngành kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, trong đó, công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm, dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy”.
Phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, trong suốt những năm qua, ngành Tuyên giáo của tỉnh đã tích cực tham mưu chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có nội dung ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tiêu biểu là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2025; Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các chủ trương, định hướng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và phong trào xây dựng nông thôn mới...
Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các chủ trương, chính sách về lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đẩy mạnh ứng dung khoa học-công nghệ vào sản xuất, chế biến đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành một số vùng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao như: Vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế; vùng chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên; vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia quy mô gần 50 nghìn ha với sản phẩm chủ lực vải thiều, cam, bưởi được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học nông nghiệp đạt được những thành tựu quan trọng; có nhiều đề tài, đề án, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ được khẳng định, phát huy được hiệu quả, đem lại thu nhập cao, như: Mô hình thâm canh lúa theo phương pháp SRI được mở rộng tại các huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên...; Đề tài xây dựng mô hình sản xuất dưa chuột bao tử, cà chua, ngô, rau vụ Đông với quy mô ban đầu 6 ha đang được thực hiện có hiệu quả và nhân rộng ra 40ha tại huyện Lục Nam; Dự án xây dựng mô hình và phát triển sản xuất cà chua bằng giống lai HT 144 tại 2 huyện Lục Nam và Lạng Giang, quy mô 10ha; Việc sử dụng phân sinh học, phân bón lá, các chất điều hoà sinh trưởng, chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu Emina, thuốc trừ sâu sinh học Anisaf được ứng dụng và thử nghiệm cho rau và cây ăn quả; Chương trình Sinh hoá đàn bò được triển khai trong toàn tỉnh... Công tác phát triển sản phẩm chủ lực thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp cũng được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký bảo hộ được 03 chỉ dẫn địa lý, 06 nhãn hiệu chứng nhận và 68 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh Bắc Giang trong những năm tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ngành Tuyên giáo của tỉnh cần tiếp tục làm tốt một số nội dung sau đây:
Một là, tăng cường công tác tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng khoa học-công nghệ mới vào lĩnh vực nông nghiệp, cả trong sản xuất, dịch vụ và tuyên truyền quảng bá nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học-công nghệ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển khoa học-công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua “Bắc Giang chung tay xây dựng nông thôn mới”. Đặc biệt là tư tưởng chỉ đạo của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “...phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khoa giáo của Đảng. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 623-QĐ/TU ngày 06/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan khối Khoa giáo của tỉnh”; Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”. Chú trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan trong khối, nhất là với Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Liên hiệp các hội khoa học tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng gương điển hình tiêu biểu trong việc xây dựng các mô hình nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương. Thường xuyên chỉ đạo, định hướng phát động phong trào thi đua sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng nông thôn mới./.