Bắc Giang: Tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
Ngày đăng:21-04-2022
Ngày 19/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 1670/UBND-KGVX về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan; đưa công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn đi vào nền nếp, theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt một số nội dung sau:
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng cường tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã, các cơ quan có liên quan và người trực tiếp trông coi di tích… Hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích; trong đó có việc triển khai thực hiện đúng các nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch thỏa thuận. Chủ động kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm phát hiện kịp thời, có phương án xử lý dứt điểm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm.
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Xây dựng cân đối nguồn vốn đầu tư, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công để hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích. Cân đối kế hoạch ngân sách hằng năm, bố trí đủ định mức kinh phí hỗ trợ tu bổ di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tham gia ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ của ngành đối với công tác quy hoạch, các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Báo Bắc Giang, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tăng cường các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân và toàn xã hội trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích; biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt hoạt động này; phê phán tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt.
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; hằng năm, bố trí ngân sách đối ứng cùng ngân sách của trung ương, của tỉnh, các khoản thu hợp pháp khác từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân để thực hiện việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về giá trị của di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để Nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến. Chủ động hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo quản, tu bổ,phục hồi di tích trên địa bàn sau khi có văn bản thỏa thuận của cơ quan quản lý./.