Một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015
Ngày đăng:06-04-2016
Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, từ năm 2011 Chương trình đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt.
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 05 năm thực hiệnChương trình, diện mạo nông thôn ở tỉnh Bắc Giang đãcó nhiều đổi mới trên nhiều lĩnh vực, ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là người nông dân trong tỉnh.
Tư duy, nhận thức của cán bộ và nhân dân trong tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét: Người dân xác định xây dựng nông thôn mới là Chương trình Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, người dân là chủ thể, quyết định toàn bộ những phần việc của địa phương mình, từ đó tham gia tích cực vào xây dựng Chương trình và có những cách làm sáng tạo, chủ động. Để làm được điều này, công tác thông tin tuyên truyền về Chương trình đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng các hình thức và đổi mới về nội dung. Phong trào thi đua “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” do UBND tỉnh phát động đã được các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, đơn vị quân đội tích cực hưởng ứng, cụ thể hóa thành phong trào thi đua ở địa phương, đơn vị tham gia với nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, đã có 99 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận và được phân công giúp đỡ 40 xã giai đoạn 2011-2015.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đã chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình đến từng hội viên và quần chúng nhân dân như: Hội phụ nữ với mô hình “5 không 3 sạch”, ống tiền, hũ gạo tiết kiệm; Hội Nông dân tỉnh với phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà”; Tỉnh Đoàn đảm nhận và thi công các công trình hạ tầng tại nông thôn;Liên đoàn lao động vận động công nhân, viên chức, lao động xây dựng quỹ nông thôn mới; Ban Dân vận Tỉnh ủy với mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới; Hội Cựu chiến binh với phong trào mỗi hội viên ủng hộ 01 bao xi măng...
Công tác huy động vốn và cơ chế hỗ trợ để thực hiện Chương trình đạt kết quả khá cao, sử dụng hiệu quả: Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 khoảng: 11.180,8 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương và địa phương 3.089,7 tỷ đồng (chiếm 27,6%); nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và nguồn vốn khác 150,9 tỷ đồng (chiếm 1,4%); tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn 7.018,6 tỷ đồng (chiếm 62,8%); nhân dân đối ứng thực hiện ngày công, hiến đất, góp kinh phí... với trị giá 921,6 tỷ đồng (chiếm 8,2%). Như vậy, sau 05 năm triển khai thực hiện, việc huy động nguồn vốn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản đáp ứng theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Huy động nguồn lực đạt kết quả khá, nhất là huy động từ cộng đồng dân cư, từ đó từng bước nâng cao chất lượng các công trình trong xây dựng.
Diện mạo nông thôn mới có nhiều chuyển biến rõ rệt là điều dễ dàng nhận thấy sau khi tổng kết giai đoạn đầu thực hiện Chương trình: Kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, xây mới và cải tạo nâng cấp để phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được nâng cấp, xây mới đồng bộ. Điển hình như tiêu chí giao thông, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cứng hóa được gần 2.500 km, qua đó đã nâng tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 40%, số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%, có 48 xã đạt tiêu chí giao thông (tăng 47 xã so với năm 2011); Đối với tiêu chí thủy lợi, đã sửa chữa, nâng cấp hàng trăm công trình thủy lợi, kiên cố hóa 2.527 km kênh mương các loại, nâng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương lên 37%, đảm bảo thực hiện tưới tiêu chủ động lên 75%. Hết năm 2015, đã có 78 xã đạt tiêu chí thủy lợi (tăng 55 xã so với năm 2011); Phong trào thể dục, thể thao phát triển mạnh, từ nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ một phần, nhân dân các địa phương trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 39 xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (tăng 39 xã so với năm 2011)... các công trình ở địa phương được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù, người dân đã được bàn bạc dân chủ, công khai góp phần giảm chi phí trong quá trình thực hiện.
Văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có những chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội cơ bản được giữ vững, ổn định và có nhiều đổi mới: Chất lượng giáo dục tiếp tục được khẳng định nâng lên mức mới. Phổ cập THCS tiếp tục được giữ vững, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi hoàn thành trước 01 năm so với kế hoạch, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng lên, cơ sở vật chất y tế tiếp tục được quan tâm, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị; Phong trào“ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả.Các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy; Hệ thống tổ chức chính trị xã hội được củng cố; An ninh, trật tự xã hội cơ bản được giữ vững góp phần ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế của tỉnh.
Xã Song Maivinh dự được công nhận là xã đầu tiên trong 40 xã của tỉnh Bắc Giang hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân ngày càng được quan tâm. Với chức năng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới củatỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn xác định sản xuất nông nghiệp là yếu tố cốt lõi của xây dựng nông thôn mới. Từ đó định hướng quan tâm đến công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng cánh đồng mẫu, cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp.Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn có thương hiệu; công tác chuyển giao tiến bộ khoa học được quan tâm; Liên kết 4 nhà trong sản xuất, nhất là liên kết sâu giữa doanh nghiệp và người dân được duy trì góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Cũng từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Tính đến hết năm 2015, bình quân thu nhập của người dân tỉnh Bắc Giang đạt 19,5 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình; Tỷ lệ hộ nghèo cũng từ đó giảm xuống còn 8,8%, bình quân các năm giảm 2,17%.
Tổng kết thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2015 với những kết quả đạt được bước đầu, cho thấy chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang là khá tích cực và rõ nét. Để tiếp tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, phát huy hơn nữa công tác triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020, Kế hoạch của UBND, BCĐ xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 với các mục tiêu: Phấn đấu có từ 35 - 40% số xã đạt chuẩn NTM và nâng số tiêu chí bình quân trên địa bàn tỉnh là 15 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí; Có từ 1-2 huyện đạt huyện nông thôn mới; Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm, giảm bình quân hằng năm là 2%, đối với xã đặc biệt khó khăn là 4%; Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên…
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên, các địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đổi mới, đa dạng về nội dung nhằm nâng cao nhận thức về thực hiện Chương trình giai đoạn mới cho cán bộ và người dân ở nông thôn. Chuyển từ tuyên truyền cơ chế chính sách sang tuyên truyền cách làm, mô hình hay kinh nghiệm tốt để nhân ra diện rộng. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó người dân ở nông thôn là chủ thể trực tiếp. Tăng cường giao cho cộng đồng dân cư trực tiếp thực hiện, giám sát công trình. Làm tốt công tác khai thác, kêu gọi, huy động nhằm thu hút nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tuyệt đối không ép buộc.
Thứ hai, bố trí phân bổ nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm: Tập trung ngân sách các cấp hỗ trợ các xã có khả năng đạt chuẩn đến năm 2020, bố trí hợp lý cho các xã nhằm nâng cao tiêu chí, với phương châm triển khai đến đâu hoàn thành dứt điểm đến đó nhằm phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Kết hợp ưu tiên giữa chỉ đạo điểm và đẩy mạnh triển khai trên diện rộng nhằm đảm bảo tăng số xã đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm, đồng thời tăng số tiêu chí đạt chuẩn của các xã.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân: Phát triển sản xuất gắn với thực hiện Quyết định 2067/QQĐ-UBND ngày 23/12/2014 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, ưu tiên trước hết cho các sản phẩm hàng hóa, chủ lực của tỉnh nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; Tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, giao thông thủy lợi và xây dựng cánh đồng lớn cho thu nhập cao, từng bước xây dựng mỗi xã nông thôn mới có tối thiểu 01 cánh đồng mẫu với sản phẩm đặc trưng; Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; khuyến khích hỗ trợ hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp hoặc thông qua HTX, có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vàonông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, nâng cao chất lượng cán bộ xây dựng nông thôn mới: Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách. Kịp thời quan tâm tới công tác đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp cơ sở để tăng cường chức năng quản lý, giám sát thực hiện Chương trình.
Những thành tích đã đạt được của Chương trình trong giai đoạn 2011 - 2015 là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí tại các xã xây dựng NTM, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Để đạt được điều đó cũng đặt ra đối với các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 145-NQ/TU ngày 14/7/2011 về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Đồng thời, cần làm tốt hơn nữa việc tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; phấn đấu xây dựng nông thôn Bắc Giang giàu đẹp, từng bước đưa Bắc Giang trở thành một tỉnh nông nghiệp bền vững, hiện đại, góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ XVIII, giai đoạn 2015 - 2020./.