Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thế tích cực tham mưu tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trên địa bàn huyện
Ngày đăng:14-12-2021
Chúng ta đều rõ để phát triển lý luận cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tăng cường tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận là biện pháp quan trọng nhất. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”Tổng kết thực tiễn là một khâu không thể thiếu và có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của lý luận. Tổng kết thực tiễn, xét về bản chất là hoạt động trí tuệ của chủ thể tổng kết thực tiễn; là quá trình bằng tư duy khoa học với phương pháp biện chứng duy vật làm cơ sở để chủ thể tổng kết thực tiễn, phân tích, đánh giá, khái quát kinh nghiệm thực tiễn nhằm kiểm tra sự đúng sai của lý luận, bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận và rút ra những bài học kinh nghiệm chỉ đạo tổ chức thực tiễn và hoạt động lý luận tiếp the
Ảnh minh họa
Nhận thức tầm quan trọng của công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Trong những nhiệm kỳ gần đây, Ban chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Thế đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình đề án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Để đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, chính sách, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm thành công, thất bại thì việc tổng kết thực tiễn là một nhiệm vụ rất quan trọng, có tính cấp thiết.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa XXII, được sự phân công của Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy trong việc lựa chọn, đề xuất, tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn (với ít nhất 10 chủ đề trong cả nhiệm kỳ); năm 2021, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thế tập trung chỉ đạo và tham mưu giúp cấp ủy làm tốt nội dung này. Trong năm 2021, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thế đã tham mưu với cấp ủy huyện lựa chọn 02 nội dung, gồm: (1) Phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, giai đoạn 2011-2020"; (2) Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa, giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn huyện Yên Thế.
Để công tác tổng kết thực tiễn có hiệu quả, Ban đã tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn, thành lập 02 Ban Chỉ đạo tổng kết của 02 chuyên đề (Một BCĐ do đồng chí Phó Bí thư Thường trực làm Trưởng ban; một BCĐ do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban ) và 02 Tổ giúp việc bảo đảm số lượng, chất lượng, cụ thể là:
- Mỗi Ban Chỉ đạo huyện gồm 22 đồng chí là lãnh đạo Huyện, các phòng, ban, ngành cấp huyện và Chủ tịch UBND một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
- Mỗi Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 04 đồng chí là lãnh đạo, chuyên viên tham mưu giúp việc của tại các ban, cơ quan, phòng, ngành của Huyện ủy, UBND huyện. Đây là những đồng chí có năng lực, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc; Tổ giúp việc chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu, xây dựng kế hoạch, thu thập, xử lý thông tin và xây dựng báo cáo giúp cho BCĐ huyện.
Đồng thời, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu, triển khai bảo đảm kế hoạch đề ra; gắn trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm cá nhân trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Sau một thời gian tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đến nay cả 02 đề tài này đã hoàn thành 100% kế hoạch đề ra, chỉ chờ thời điểm phù hợp sẽ công bố rộng rãi; đã cho ra sản phẩm mang tính khoa học và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Có được các kết quả như vậy là nhờ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo từ khâu lựa chọn nội dung, lựa chọn con người tham gia BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ đến bố trí ngân sách thỏa đáng cho công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn (mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng huyện Yên Thế đã cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách huyện cho việc nghiên cứu 02 đề tài này là gần 250 triệu đồng; đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của địa phương).
Thứ hai, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu cho BTV Huyện ủy lựa chọn 06 đơn vị (xã Xuân Lương, xã An Thượng, Đồng Kỳ, Hồng Kỳ, Tiến Thắng và xã Đông Sơn) là đại diện cho ba tiểu vùng của huyện để tổ chức nghiên cứu sâu, tổ chức Hội thảo chuyên đề nhằm thu thập thông tin, số liệu làm đại diện cho các xã, thị trấn trong huyện. Thay vì nghiên cứu trong phạm vi toàn huyện, chúng tôi đã tiến hành chọn mẫu đại diễn nhưng vẫn luôn bảo đảm tính chính xác của nội dung nghiên cứu.
Thứ ba, Việc lựa chọn 02 đề tài nghiên cứu vừa bảo đảm tính khoa học nhưng đồng thời cũng luôn bảo đảm tính thực tiễn cao. Đây là hai nội dung mà cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay. Đây là những nội dung có tác động sâu rộng đến mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong phạm vi huyện Yên Thế trong thời gian qua. Do vậy, việc đánh giá, tổng kết sẽ có được nhiều thông tin, dự liệu có giá trị thiết thực.
Tuy nhiên, qua thực tiễn việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận tại huyện Yên Thế trong thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn đó là:
- Thiếu (không có) tài liệu tham khảo của các đề tài nghiên cứu trước.
- Kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của các thành viên BCĐ huyện còn hạn chế; phương pháp chỉ đạo khai thác, phân tích, xử lý thông tin còn chưa khoa học.
- Thành viên Tổ giúp việc phải kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa dành được nhiều thời gian cho việc tham mưu giúp cho BCĐ huyện trong việc xây dựng đề cương, tổ chức hội thảo, tiến hành điều tra… khai thác thông tin. Do vậy tiến độ, chất lượng 02 đề tài nghiên cứu có mặt còn hạn chế.
- Trong năm qua, nhiều thời điểm huyện Yên Thế phải thực hiện dãn cách xã hội, cách ly y tế để phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên chưa tiến hành tổ chức được Hội thảo cấp huyện theo kế hoạch; chưa thu thập được đầy đủ thông tin, ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, của các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài địa phương.
Để công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như:
Một là,Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; bố trí kinh phí thỏa đáng cho nhiệm vụ này; phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Qua nghiên cứu lý luận để làm sáng rõ hơn, chỉ ra con đường đúng đắn cho thực tiễn lãnh đạo của Đảng, thực tiễn chỉ đạo, điều hành của chính quyền và thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Đồng thời qua tổng kết thực tiễn để soi chiếu, hoàn chỉnh lý luận.
Hai là, Đổi mới hình thức, phương pháp nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện hiện nay; gắn việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với việc nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban Tuyên giáo các cấp phải là cơ quan chủ trì tham mưu giúp cấp ủy trong việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn.
Ba là,Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Hằng năm thường xuyên tổ chức tổng kết, đánh giá, thi đua khen thưởng kịp thời để khích lệ, động viên hoạt động của các đơn vị làm tốt trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn bảo đảm thiết thực, hiệu quả./.