Lục Nam: quan tâm phát triển văn hóa, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
Ngày đăng:08-12-2021
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), văn hóa giữ vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn có ý nghĩa rất lớn trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ảnh minh họa
Những năm qua dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đỡ của các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của huyện Lục Nam đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình xây dựng NTM. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, cơ chế hỗ trợ về xây dựng NTM và phân công cụ thể cho cấp ủy, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tiến độ thực hiện.
Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, phong trào “Lục Nam chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có sức lan tỏa sâu rộng. Nhờ có sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, diện mạo nông thôn huyện Lục Nam được đổi mới, văn minh hơn, sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển mạnh, cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất và nhân rộng, áp dụng các tiến bộ khoa học, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động của người dân. Cơ cấu lao động tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm lao động nông nghiệp, tăng dần lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thương mại... Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố, vững mạnh, tình hình an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn huyện luôn được giữ vững và ổn định, dân chủ cơ sở được phát huyvà đạt được nhiều kết quả tích cực.
Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, huyện Lục Nam tiếp tục phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh ở từng xã, thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa. Xác định việc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới chính là kế thừa, phát huy và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với những quy định, tiêu chuẩn phù hợp nên những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Lục Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Tập trung tuyên truyền thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hoá, nâng cao ý thức tự giác của các thành viên trong gia đình, tẩy chay, loại bỏ các sản phẩm văn hoá độc hại, bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Hàng năm BCĐ “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã xây dựng kế hoạch chi tiết, hướng dẫn cơ sở tổ chức cho các hộ gia đình, các thôn, tổ dân phố, các cơ quan đơn vị đăng ký các danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2010 đạt 81,4%, đến năm 2019 tỷ lệ này là 90%, tăng 8,6%; tỷ lệ làng văn hóa năm 2010 đạt 66,1%, đến năm 2019 tỷ lệ này là 74,8%, tăng 15,8%. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, giai đoạn 2011-2020, toàn huyện đã huy động các nguồn vốn xây dựng mới258 phòng học, phòng chức năng; đến nay 100% số xã đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập mần non cho trẻ em 5 tuổi;tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học phổ thông, bổ túc trung cấp nghề đạt trên 99%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 88,2%;hiện nay có 21/24 xã đạt tiêu chí số 05 về trường học (chiếm 87,5%), đạt 92,1% KH.
Từ năm 2011 đến năm 2020, huyện đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo 19 nhà văn hóa xã, khu thể thao xã, 145 nhà văn hóa thôn, 10 khu thể thao thôn, 07 trụ sở làm việc cấp xã được cải tạo, nâng cấp và xây mới, 14 khu dân cư được chỉnh trang; hiện nay có 13/24 xã đạt tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hóa (chiếm 54,16%), đạt 72,21% KH.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quan tâm phát triển văn hóa, xây dựng NTM trên địa bàn huyện Lục Nam còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, rà soát nguồn lực thực hiện NTM tại một số xã chưa chủ động, tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM còn cao; công tác xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, cắm mốc chỉ giới, rà soát điều chỉnh quy hoạch, đề án thực hiện còn chậm; kết quả thực hiện một số tiêu chí chưa rõ nét; một số xã nằm trong kế hoạch nhưng chưa có quyết tâm cao, còn né tránh khi được lựa chọn về đích nông thôn mới; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít, chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hiệu quả ...
Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, thời gian tới, huyện Lục Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là,tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện; phong trào thi đua “Lục Nam chung sức xây dựng nông thôn mới”, xem đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan, đơn vị, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp dân cư, làm nền tảng để xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao và thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới huyện đạt NTM vào năm 2024.
Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh chỉ đạo trong xây dựng xã nông thôn mới và thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách mạnh mẽ, sáng tạo; thực hiện chương trình phải kiên trì, quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, không chủ quan, nóng vội. Thường xuyên kiện toàn BCĐ các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ, các địa phương, đơn vị để vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ; rà soát kỹ các tiêu chí để phân kỳ thời gian, lộ trình về đích hằng năm (giai đoạn 2021-2023) đối với 11 xã chưa đạt chuẩn NTM, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện hoàn thành tiêu chí xã NTM, thôn dân cư NTM kiểu mẫu, xác định đây là thước đo để đo sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đời sống người dân.
Ba là,tập trung đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH quan trọng, đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng KHCN cao vào sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu tập thể đã được công nhận nhằm phát huy thế mạnh, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện; tăng cường nâng chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân; lấy phục vụ lợi ích cho cư dân nông thôn làm động lực trong xây dựng xã NTM, thôn dân cư NTM kiểu mẫu.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình và các thiết chế văn hóa cơ sở; thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn tạo cảnh quan môi trường sáng- xanh - sạch- đẹp.
Năm là,tăng cường phát huy vai trò của nhân dân trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn;nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản đảm bảo giữ vững an ninh trật tự xã hội thông qua phát huy vai trò của các trưởng bản, người uy tín, người đứng đầu các dòng họ; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, phân loại xử lý và giải quyết dứt điểm các vụ việc, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.