Xã Hoàng An- Đơn vị anh hùng lự lượng vũ trang trong thời kỳ chống thực dân Pháp
Ngày đăng:08-11-2019
Hoàng An là xã miền núi của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, cách huyện lỵ khoảng 5 km về phía Bắc. Xã có đường ranh giới tiếp giáp với 5 xã: phía bắc giáp xã Thanh Vân, phía nam giáp xã Đức Thắng, phía đông giáp xã Ngọc Sơn, Hoàng Lương và phía tây giáp xã Hoàng Vân. Xã Hoàng An có diện tích tự nhiên 589,12 ha (5,89 km2). Đến năm 2018, dân số của xã là 7.380 người.
Lễ đón nhận danh hiêu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Nhân dân xã Hoàng An vốn có truyền thống cách mạng và truyền thống yêu nước nồng nàn. Trải qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người dân Hoàng An luôn phát huy cao độ tinh thần yêu nước, dũng cảm kiên cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời 03/02/1930, do ở vị trí khuất nẻo, xa thành phố và các trung tâm nên ánh sáng cách mạng đến với huyện Hiệp Hòa, trong đó có xã Hoàng An muộn hơn các nơi khác nhưng lại phát triển nhanh, mạnh, vững chắc và trở thành một địa bàn quan trọng, là An toàn khu của Đảng, kẻ thù không sao dập tắt được.
Tháng 8 năm 1938, đồng chí Ngô Tuấn Tùng được Chi bộ phủ Lạng Thương giao nhiệm vụ bí mật đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt, một cán bộ cao cấp của Đảng từ Phủ Lạng Thương về Hiệp Hòa, trước hết là tổng Hoàng Vân để xây dựng cơ sở, chuẩn bị địa bàn cho Đảng hoạt động. Làng Vân Xuyên (tức Hoàng Vân) và làng Hoàng Liên (tức Hoàng An) là 2 cơ sở đầu tiên được đồng chí Hoàng Quốc Việt và đồng chí Ngô Tuấn Tùng đi lại, ăn ở, hoạt động, được nhân dân giúp đỡ, bảo vệ an toàn. Từ 2 cơ sở này, phong trào cách mạng ở huyện Hiệp Hòa nhanh chóng hòa nhập vào phong trào cách mạng chung của cả nước. Nếu như Hoàng Vân là cơ sở sớm hơn thì Hoàng An lại là nơi có phong trào lan rộng, có đông đảo quần chúng hơn. Ngày 20 tháng 11 năm 1939, hơn 500 quần chúng ở khu vực chợ Vân và làng Hoàng Liên chống bọn lính đi quấy nhiễu dân. Ngày 16 tháng 02 năm 1940, anh Nguyễn Văn Cường được kết nạp vào Đảng, là 1 trong 3 đảng viên là những “hạt giống đỏ” đầu tiên của Đảng bộ huyện Hiệp Hòa.
Năm 1941, địch khủng bố ác liệt, cả 3 đảng viên bị bắt, chi bộ Đảng không còn nhưng phong trào cách mạng vẫn phát triển, đồng chí Nguyễn Văn Cường trong nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã nêu gương sáng về giữ vững khí tiết, không đầu hàng địch, phản bội cách mạng. Từ năm 1943, xã Hoàng An thuộc An toàn khu II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự cùng những cán bộ cao cấp của Đảng như đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Ngô Quế Sơn, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Trọng Tỉnh… được bảo vệ an toàn. Tháng 6 năm 1944, chi bộ Đảng Hoàng Vân thành lập lần thứ hai, đồng chí Nguyễn Văn Cường làm Bí thư.
Lực lượng tự vệ Hoàng An đã dũng cảm bảo vệ quần chúng đấu tranh, chi viện các xã, tham gia đấu tranh đánh địch ở Hoàng Lại (Thanh Vân), Trị Cụ (Hoàng Thanh), giải phóng huyện lỵ. Ngày 16 tháng 3 năm 1945, lực lượng tự vệ và quần chúng xã Hoàng An dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Thanh Nghị và Nguyễn Trọng Tỉnh đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Xã Hoàng An xứng đáng là chiếc nôi của phong trào cách mạng huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang); nam huyện Phú Bình và huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân xã Hoàng An phát huy truyền thống cách mạng cùng nhau khắc phục “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”, lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ và xây dựng vững chắc chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho những nhiệm vụ cách mạng mới.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân trong xã đã đóng góp cho kháng chiến hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, 01 quả chuông đồng nặng trên 100 kg, 1 mâm thau bạc trắng… Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có 12 thanh niên lên đường, 240 lượt người đi dân công hỏa tuyến. Người không đi được thì gửi xe đạp để làm xe thồ hàng ra tiền tuyến. Người làm nghề đóng cối xay thóc thì xung phong lên Tây Bắc để đóng cối góp phần giải quyết lương thực tại chỗ cho bộ đội. Trên tuyến đường vận tải thủy, theo dòng sông Cầu, từ phía Kè Bầu (xã Xuân Cẩm) ngược lên Thái Nguyên, những đoàn thuyền nối đuôi nhau được ngụy trang bí mật, kín đáo chở quân trang, quân lương và bộ đội hăm hở ra tiền tuyến. Địch cũng tăng cường ném bom bắn phá các âu thuyền, bến bãi ven sông nhưng không ngăn cản được. Kết hợp với những hoạt động khác, xã Hoàng An bừng bừng khí thế “Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả cho chiến thắng” không tiếc sức người, sức của gửi ra mặt trận Điện Biên Phủ, cùng quân dân cả nước đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp và tay sai.
Lực lượng du kích của xã từ 70 người năm 1949 lên 250 người năm 1953, trong đó có 2 tiểu đội tự vệ, 1 trung đội du kích thường xuyên đi phối hợp chiến đấu trong và ngoài huyện. Hoàng An là nơi cất giấu quân lương tốc khí chuyển lên Việt Bắc. Địch đánh phá rất quyết liệt, 14 trận càn lớn nhỏ diễn ra ở Hoàng An cũng là 14 trận đánh của quân, dân xã Hoàng An kiên cường chống trả lại quân địch.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, toàn xã có 74 người đi thanh niên xung phong, 240 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 81 người đi chiến dịch Điện Biên Phủ (24 xe đạp thồ), 120 người đi bộ đội. Bằng của cải, vật chất, tinh thần yêu nước, không quản hy sinh mồ hôi xương máu, đất và người Hoàng An đã góp phần viết lên trang sử vàng đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hoàng An, ngày 28 tháng 5 năm 2010, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 740/2010/QĐ/CTN về việc phong tặng Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”./.