Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Giang chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
Ngày đăng:19-09-2019
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc cũng như trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế đất nước, lớp lớp thanh niên Bắc Giang đã ra nhập Thanh niên xung phong để tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng Thanh niên xung phong anh hùng trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và quê hương.
Đội Thanh niên xung phong N107-P13 trước giờ lên đường
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng mở chiến dịch Biên giới Cao - Bắc - Lạng nhằm khai thông biên giới Việt - Trung và các nước xã hội chủ nghĩa. Để phục vụ chiến dịch giành thắng lợi, Hồ Chủ tịch chủ trương thành lập lực lượng Thanh niên xung phong và giao cho Tiểu ban thanh vận của Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam trực tiếp thành lập và lãnh đạo Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương.
Ngày 15 tháng 7 năm 1950, Đội Thanh niên xung phong công tác với Trung ương đầu tiên do đồng chí Vương Bích Vượng quê ở xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc tỉnh Bắc Giang - Ủy viên Ban Chấp hành của Trung ương Đoàn làm Đội trưởng, tập trung của đội là Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đội gồm 225 cán bộ đội viên, được huy động ở các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ.
Tháng 10 năm 1950, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương được thành lập và biên chế thành 08 Liên phân đội: Hoàng Hoa Thám, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng, Hà Huy Tập, Tô Hiệu. Các phân đội này đều có con em Bắc Giang tham gia.
Trong giai đoạn này, đường vận tải từ Lạng Sơn về để phục vụ cho các chiến dịch Việt Bắc, Tây Bắc bắt buộc phải đi theo đường 13B mà Đèo Cà, xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang là con đường địa đạo, vì vậy Liên khu ủy Việt Bắc thành lập riêng một Ban chỉ huy mặt trận Đèo Cà và cho phép Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Bắc Giang thành lập đơn vị Thanh niên xung phong để đảm bảo giao thông Đèo Cà.
Ngày 05 tháng 02 năm 1951, tại rừng Giẻ, huyện Yên Thế, Đại đội Thanh niên xung phong C231 được thành lập gồm 305 cán bộ, đội viên, có 1/3 là nữ, được biên chế thành 4 trung đội. Tháng 8 năm 1953, C232 được thành lập gồm 250 cán bộ chiến sỹ biên chế 4 trung đội cùng C231 đảm bảo giao thông Đèo Cà. Do yêu cầu của chiến trường, tháng 02 năm 1954 Bắc Giang thành lập Đội Thanh niên xung phong mở đường 1B, cùng với 3 trung đội của C232 bổ sung cho Đội 38 của Đoàn xung phong các đại đội C105, C106, T116.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bắc Giang có 2.810 cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lập nên kỳ tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa (1954-1964), sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Thanh niên xung phong có hai đại đội tham gia khôi phục đường sắt Đông Anh - Thái Nguyên là C213 và C215.
Được Trung ương giao cho UBND tỉnh thành lập một đội Thanh niên xung phong đi khai phá miền Tây (công trường 130) quân số được huy động ở 08 huyện: Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng, Tiên Sơn, Thuận Thành, Gia Lương, Quế Võ, biên chế làm 09 Đại đội, riêng Tiên Sơn là 02 đại đội, còn lại mỗi huyện 01 đại đội. Bắc Giang được biên chế C211 (Lạng Giang), C212 (Việt Yên), C214 (Hiệp Hòa), C215 (Yên Dũng) do đồng chí Thân Văn Ngà, Chủ tịch huyện Việt Yên làm Đội trưởng.
Trong thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế có gần 2.000 cán bộ, đội viên tham gia.
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1965-1975), ngày 05 tháng 8 năm 1965, đế quốc Mỹ cho máy bay bắn phá các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An và một số tuyến đường nhằm phá hoại kinh tế và đường chi viện cho chiến trường B và C.
Ngày 21 tháng 6 năm 1965, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 71/CT-TTg về thành lập lực lược thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tập trung. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 71/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Giang đã thành lập 12 Đội và Đại đội độc lập với quân số 8.313 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong.
Ngoài các đơn vị do tỉnh thành lập, Bắc Giang còn có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ tham gia lực lượng thanh niên xung phong các tỉnh trên cả nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khôi phục và phát triển kinh tế đã có trên 13.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đóng góp công sức, xương máu của mình để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đem lại hòa bình, độc lập cho Tổ quốc.
Khi đất nước hòa bình, các đơn vị thanh niên xung phong đều tự nguyện cùng nhau thành lập Ban liên lạc truyền thống. Lấy ngày thành lập đơn vị làm ngày kỷ niệm để họp mặt nhằm thăm hỏi, động viên, chăm sóc nhau vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống đời thường. Các cấp hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hưởng ứng các phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới- xây dựng đô thị văn minh”, thanh niên xung phong đã hiến 1.460 m2 đất để xây dựng cơ sở phúc lợi và cơ sở hạ tầng. Hàng năm, các cấp hội tổ chức cho cán bộ, hội viên hành hương về nguồn nằm khơi dậy và phát huy phẩm chất tốt đẹp của thanh niên xung phong, phối hợp hoạt động với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cấp nhằm phát huy phẩm chất và những chiến công của thanh niên xung phong để giáo dục và rèn luyện thanh niên.
Qua quá trình chiến đấu, bảo vệ và xây dựng và trưởng thành, lực lượng cựu Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Giang đã lập được nhiều chiến công được Đảng và Nhà nước ghi nhận, vinh danh, tặng nhiều phần thưởng cao quý. Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đơn vị N297 và truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sỹ đơn vị N297; Chủ tịch nước tặng 02 Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể và cá nhân Hội; Thủ tướng Chính phủ tặng 03 Bằng khen cho 01 tập thể Hội và 02 cá nhân; Trung ương Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam tặng 10 cờ Thi đua xuất sắc cho Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Giang và 10 cờ Thi đua xuất sắc cho các huyện, thành Hội đạt thành tích xuất sắc và nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và các cấp trong tỉnh.
Những thành tích cựu Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Giang đạt được trong những năm qua đã góp phần tô thắm truyền thống cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.