Đồng chí Ngô Văn Hả sinh ngày 15 tháng 5 năm 1952, dân tộc Kinh, trong một gia đình nông dân ở thôn Thuận Lý, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), nhập ngũ tháng 10/1972. Hi sinh ngày 25/5/1974, đơn vị hy sinh: Đội Thanh niên xung phong N297, D193, E217, F473, Đoàn 559 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Chức vụ: Tiểu đội trưởng.
Gia đình đồng chí Ngô Văn Hả có 7/9 anh, chị, em vào bộ đội, thanh niên xung phong, trong đó cả 6 anh em trai đều phục vụ trong quân đội thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Gia đình vợ, con, anh, chị, em ruột đều chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Năm 1966, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Trong một trận đánh bom của đế quốc Mỹ vào tháng 12/1966, nhiều thôn làng của xã Tiến Dũng đã bị thiệt hại nặng nề; trận bom dữ dội đã làm chết hàng chục người dân vô tội, cháy chụi nhiều nhà cửa, tài sản, gây đau thương và mất mát vô cùng to lớn cho nhân dân trong xã. Riêng gia đình đồng chí Ngô Văn Hả bị chết 2 người là mẹ đẻ và người cháu, toàn bộ nhà cửa, tài sản đều bị cháy. Lúc này, các anh, chị của đồng chí Hả đã đi bộ đội và đang chiến đấu ở các chiến trường, các chị lấy chồng có gia đình riêng, chỉ còn người bố ốm yếu cùng 3 em nhỏ và đồng chí Hả. Cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Càng thương bố, thương các em bao nhiêu thì đồng chí càng căm thù giặc Mỹ bấy nhiêu.
Mặc dù ở tuổi thiếu niên (14 tuổi), đang học lớp 6/10, đồng chí xin phép bố, nhà trường được nghỉ học để lao động sản xuất, giúp bố nuôi dạy các em, tạo điều kiện cho các em tiếp tục được đi học. Ở địa phương, đồng chí có tiếng là chịu thương, chịu khó, không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn quan tâm chăm lo, nhường nhịn mọi người, được dân làng, bạn bè và gia đình quý trọng, yêu mến.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 12/1972, đồng chí Ngô VănHả chia tay người vợ mới cưới chưa đầy 4 tháng và gia đình lên đường vào đội Thanh niên xung phong N297, D193, E217, F473, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn. Những năm tháng phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn vô cùng ác liệt, gian khổ, vất vả, khó khăn, thiếu thốn... nhưng đồng chí luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Với cương vị là Tiểu đội trưởng, đồng chí cùng Tiểu đội có nhiều sáng tạo trong mở đường, thông đường, thông ngầm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo giao thông, năng suất lao động của Tiểu đội thường đạt cao nhất trong đơn vị. Trong Tiểu đội và đơn vị, đồng chí luôn là người đi đầu.
Để chuẩn bị các điều kiện cho đợt tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, Quân ủy Trung ương xác định công tác đảm bảo hậu cần cho chiến dịch có vị trí đặc biệt quan trọng, việc cần phải làm sớm, làm trước là mở đường bí mật, nhanh chóng, thông đường, thông cầu, thông ngầm... đảm bảo giao thông thông suốt cả ngày đêm bất chấp sự bắn phá, ngăn chặn ác liệt của kẻ địch. Thời điểm này, Đội Thanh niên xung phong N297 được giao nhiệm vụ mở đường tại Đông Trường Sơn, có ngày phải đảm bảo giao thông cho hàng trăm chuyến xe. Nhiều lần đường vừa mở xong lại bị máy bay địch đánh bom phá hoại, đường bị lấp, cắt ngầm hoặc những trận mưa lớn làm sạt lở đường, tắc ngầm làm cho hàng đoàn xe tiếp viện cho tiền tuyến phải nằm đợi. Những lúc như vậy cả đơn vị đều lo lắng, day dứt. Đặc biệt ngày 25/5/1974 sau những trận đánh bom lại bị mưa lớn, đoạn đường, ngầm Bê Ke đường 14 Đông Trường Sơn địa hình rất hiểm trở bên cạnh núi cao, dốc ta luy lớn bị sạt lở, hàng trăm m3 đất và nhiều tảng đá lớn lăn xuống đường, xuống ngầm làm cho các xe chở hàng không hành quân được phải nằm chờ, trong khi tiền tuyến đang cần tiếp viện từng phút, từng giờ. Trước tình huống khẩn cấp trên, Ban Chỉ huy Trung đoàn lệnh cho Đại đội 3 Thanh niên Xung phong N297 bằng mọi cách phải thông đường trong thời gian ngắn nhất đảm bảo thông xe trước 5 giờ sáng. Ban Chỉ huy Đại đội họp bàn các phương án, lúc này đồng chí Ngô Văn Hả cùng Tiểu đội vừa đi trực ngầm về, trước việc hàng trăm xe chở hàng vào chiến trường phải nằm chờ do tắc đường, đồng chí rất băn khoăn, day dứt suy nghĩ mình phải làm thế nào để cùng đơn vị thông đường sớm. Đồng chí quyết định xung phong nhận nhiệm vụ cùng một số đồng chí khác nổ mìn phá đá ở địa hình hiểm trở trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Khi những khối đá lớn được nổ tung thì đồng chí cũng bị đất đá vùi lấp. Đồng chí Ngô Văn Hả đã anh dũng hi sinh khi đang làm nhiệm vụ, ít giờ sau đồng chíHả hi sinh, đường đã được thông, hàng đoàn xe tiếp tục vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào mặt trận.
Sự hi sinh của đồng chí Ngô Văn Hả góp phần quan trọng cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí đã để lại cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị một tấm gương sáng về sự dũng cảm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, vất vả, hi sinh. Những tư tưởng, việc làm của đồng chí Ngô Văn Hả thể hiện hành động anh hùng.
Ghi nhận sự đóng góp của đồng chí Ngô Văn Hả, ngày 23 tháng 02 năm 2010, liệt sỹ Ngô Văn Hả được Chủ tịch nước ký Quyết định số 212/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.