Bắc Giang là một tỉnh miền núi và trung du thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có diện tích 382.200ha đất tự nhiên, dân số toàn tỉnh khoảng 1,6 triệu người, gồm 26 dân tộc anh em cùng sinh sống. Với chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, từ trong đấu tranh và xây dựng, con người Bắc Giang đã hội tụ, kết tinh và bồi đắp nhiều truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc như: truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, cần cù sáng tạo, truyền thống hiếu học…
Ảnh minh họa (Báo Bắc Giang )
Cuộc sống tinh thần và văn hóa của người Bắc Giang vô cùng phong phú và đa dạng, cùng với “cây đa, giếng nước”, những mái đình, ngôi chùa phong rêu cổ kính từ lâu đã là hình ảnh gắn bó thân thiết của mỗi làng quê, là nơi diễn ra biết bao những sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo mà sự phản ánh rõ nét nhất là các lễ hội, hội làng truyền thống có sức cuốn hút đông đảo nhân dân tham gia. Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, đến nay Bắc Giang vẫn tự hào là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô cùng phong phú, cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.
Bắc Giang có hàng nghìn công trình kiến trúc cổ đủ loại lớn nhỏ khác nhau như: đình, đền, chùa, miếu, phủ, từ đường, văn chỉ… . Những di sản nghệ thuật kiến trúc đồ sộ đáng tự hào của người Bắc Giang với bàn tay của các nghệ nhân tài hoa đã để lại nhiều dấu ấn đặc sắc qua kỹ thuật tạo dựng kiến trúc, các pho tượng pháp, các di vật, đồ tế khí… vẫn còn lưu giữ tại các di tích như đình Thổ Hà (Việt Yên), đình Phù Lão (Lạng Giang), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), lăng Ngọ, Lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa)… Hiện nay, Bắc Giang có trên 2.000 di tích các loại với trên 700 di tích được xếp hạng; trong đó có 03 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế; Di tích chùa Vĩnh Nghiêm và Di tích chùa Bổ Đà), 101 di tích quốc gia và 586 di tích cấp tỉnh. Ngoài 03 Di tích quốc gia đặc biệt, còn có các di tích nổi tiếng là những di tích: Đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) xây dựng năm 1576, được mệnh danh là “Đệ nhất Kinh Bắc”; chốn tổ Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - một Trung tâm phật giáo thời Trần, trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ kho Mộc bản kinh Phật với hơn 3.050 bản đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương năm 2012. Đình, chùa Tiên Lục và cây Dã hương nghìn năm tuổi (Lạng Giang) đã được Vua Cảnh Hưng sắc phong là “Quốc chúa Đô mộc Đại Vương”.... Hệ thống 46 lăng đá độc đáo được mệnh danh là “Khu bảo tàng đá lớn nhất cả nước”. Hương án đá chùa Khám Lạng, huyện Lục Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Bảo vật quốc gia” năm 2015...
Bắc Giang còn là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều miền văn hóa nên kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của cộng đồng các dân tộc rất phong phú như: Lễ hội, sau phần lễ là phần hội có nhiều sinh hoạt văn hóa và các trò chơi dân gian được lưu giữ, bảo tồn như: vật, bơi chải, đánh đu, thi nấu cơm…; ở hầu hết các làng vùng trung du hát quan họ, hát ví, hát chèo…; ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: hát sli, hát soong hao... Bắc Giang hiện có trên 500 lễ hội truyền thống, chủ yếu là các lễ hội quy mô làng xã, với sự đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, trong đó có 07 Lễ hội được đưa vào danh mục lễ hội cấp quốc gia: Lễ hội Đình Vồng, huyện Tân Yên; Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng; Lễ hội chùa Bổ Đà, Lễ hội Thổ Hà, huyện Việt Yên; Lễ hội Y Sơn, huyện Hiệp Hòa; Lễ hội Yên Thế, huyện Yên Thế; Lễ hội Suối Mỡ, huyện Lục Nam. Nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, người dân Bắc Giang tự hào là một trong cái nôi của Dân ca Quan họ với 05 làng Quan họ cổ, cùng với 44 làng Quan họ của tỉnh Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009. Bên cạnh dấu ấn của văn hóa vùng Kinh Bắc, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồng bào dân tộc thiểu số mang đậm dấu ấn văn hóa vùng Đông Bắc cũng rất phong phú và được bảo lưu, thực hành trong đời sống, tiêu biểu như hát Sọong cô dân tộc Sán Dìu, Sịnh ca dân tộc Cao Lan, Cnắng côộ dân tộc Sán Chí, nghi lễ Then người Tày, Nùng, lễ cấp sắc dân tộc Dao, Sán Dìu,…Kho tàng tục ngữ, ca dao ở Bắc Giang rất phong phú, phản ánh được nhiều mặt của cuộc sống, đất nước và con người Bắc Giang.
Truyền thống khoa bảng là niềm tự hào của mỗi người dân Bắc Giang. Trải qua 844 năm khoa cử của các triều đại phong kiến (1075-1919), Bắc Giang có 66 người đỗ từ tiến sĩ đến trạng nguyên, xếp thứ 8 trong các tỉnh thành có người đỗ tiến sĩ trong cả nước. Trong chiến tranh, Bắc Giang cũng có nhiều danh sĩ nổi tiếng tham gia chốn quan trường giữ nhiều vị trí quan trọng nhưng vẫn giữ gìn được phẩm hạnh, khí tiết, đóng góp cho đất nước nhiều mặt, không làm hổ danh tên tuổi quê hương như: Trạng nguyên Đào sư Tích, người xã Song Khê (huyện Yên Dũng), Thân Nhân Trung, người làng Yên Ninh (huyện Yên Dũng), trạng nguyên Giáp Hải, người Dĩnh Kế (trước đây thuộc huyện Lạng Giang nay thuộc Thành phố Bắc Giang), Trần Đăng Tuyển, người làng Hoàng Mai (huyện Việt Yên)… Ngoài những danh sĩ nổi tiếng trên đây, Bắc Giang còn có 03 người đỗ thám hoa, nhiều thượng thư, nhiều người được cử đi sứ đều đem lại vị thế cho đất nước.Ngày nay Bắc Giang có hàng vạn giáo sư, tiến sĩ và người có trình độ đại học,đã góp phần làm rạng rỡ, tô thăm thêm truyền thống văn hiến của quê hương.
Ảnh minh họa (Báo Bắc Giang)
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh luôn xác định văn hóa là nền tảng, động lực cho sự phát triển xã hội và bảo tồn truyền thống văn hóa của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa như: Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020”; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 12-9-2014 về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 10/6/2015 phê duyệt Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030;... Từ đó các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể triển khai thực hiện được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng mạnh mẽ tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi sinh hoạt cộng đồng khác đạt nhiều kết quả thiết thực. Xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện hướng tới chân - thiện- mỹ được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng, các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình và xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; tăng cường hợp tác giao lưu về văn hóa được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội được tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đầy đủ, nghiêm túc pháp luật góp phần quan trọng làm trong sạch môi trường văn hóa. Các thiết chế văn hóa tiếp tục củng cố, xây dựng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, với đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, văn hóa của tỉnh có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Tuy nhiên, cơ chế thị trường đã và đang nảy sinh khuynh hướng thương mại hoá các hoạt động văn hoá. Sản phẩm văn hoá độc hại không những có chiều hướng gia tăng do nhập lậu từ nước ngoài, mà còn được sản xuất ngay trong nước; lối sống chạy theo đồng tiền… ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người, đặc biệt là lớp trẻ, tác động xấu đến truyền thống văn hoá của dân tộc. Tuy vậy, chức năng giáo dục, định hướng thẩm mỹ vẫn có cơ hội được khẳng định, tạo nên những giá trị văn hóa mang tính nhân văn, cao quý. Sự vận động, phát triển của văn hóa không phải là sự vận động, phát triển mang tính bản năng mà chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đường lối, chủ trương, pháp luật, chính sách và sự quản lý của hệ thống thể chế của đất nước. Chính vì thế, cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về văn hóa nhằm phát huy thuận lợi, thời cơ, hạn chế khó khăn, vượt qua thách thức để điều chỉnh xu thế vận động và phát triển của văn hóa theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững./.