Tạp chí Sông Thương nâng cao chất lượng tác phẩm mang đậm giá trị Chân - Thiện - Mỹ
Ngày đăng:03-01-2019
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam" trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.
Ảnh minh họa
Thời gian qua, Tạp chí Sông Thương - trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang đã có nhiều đổi về nội dung cũng như hình thức trình bày các ấn phẩm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tạp chí Sông Thương luôn hoạt động đúng tôn chỉ mục đích như: Phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; giới thiệu tác giả, hội viện và tác phẩm; phản ánh thường xuyên các hoạt động của Hội và các chi hội; phát hiện bồi dưỡng những tài năng văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tạp chí ra 2 tháng một số, một năm ra 6 số với số lượng trên dưới 1000 cuốn, phát hành được tới các ban, ngành trong tỉnh, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, một số thư viện trường học, trao đổi với các Hội tỉnh thành trong cả nước và các báo chí trung ương... Tạp chí gồm các chuyên mục truyền thống như Văn, Thơ, Nhạc, Mỹ thuật, Văn học thiếu nhi, Văn học nước ngoài... Đặc biệt, hưởng ứng và phát động cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học về đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Giang, Tạp chí đã nhận được nhiều tác phẩm hay viết về nhiều tấm gương nông dân xuất sắc trong lao động sản xuất, làm giàu, về nhiều vùng quê đổi mới dưới góc phản ánh văn học, nghệ thuật, có cả chiều sâu, chiều rộng và hàm gắn cả niềm vui, nỗi trăn trở của người nông dân, của chính quyền trong công cuộc xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Các bài viết trong chuyên trang phòng, chống các tệ nạn xã hội như ma túy, HIV… là một trong những nội dung được coi là nhạy cảm và khó viết, dễ sa vào khô cứng... giống như người đi tìm vàng trên mảnh đất bao la. Thế nhưng, với lòng yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm, các tác giả là hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Giang đã sáng tác nhiều truyện ngắn, kịch bản sân khấu, phóng sự, bản nhạc, mỹ thuật nhằm thể hiện sinh động đề tài này. Tiêu biểu như tác giả Lê Dũng, nhà viết kịch Trần Minh, họa sĩ Duy Lập... Việc chống lại cái ác, cái xấu và hướng thiện đã được thể hiện rõ nét trong chuyên trang này.
Có thể khẳng định, bằng hình tượng nghệ thuật điển hình, sâu sắc, đa chiều của các tác phẩm trên Tạp chí Sông Thương, ngoài việc phát hiện, phản ánh hiện thực còn có vai trò dự báo, thức tỉnh, nhận thức trong tiềm thức con người, đề cao những giá trị nhân sinh, khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cổ vũ tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người... Các tác phẩm đăng trên tạp chí Sông Thương thực sự là nơi gieo mầm, nuôi dưỡng những khát vọng về Chân - Thiện - Mỹ, đồng thời cũng là căn cốt để giữ vững niềm tin cho con người về hậu nhân quả trước nhiều biến động của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trên, Tạp chí Sông Thương vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật như: chưa xây dựng, phát hiện được những chủ đề đủ lớn để các tác giả tập trung đầu tư, trăn trở cho ra những tác phẩm lớn, sâu sắc phản ánh đúng, trúng, rõ nét hơn hơi thở chủ đạo cuộc sống hôm nay là công nghiệp hóa, hiên đại hóa, quá trình hội nhập sâu rộng khu vực, quốc tế; còn chạy theo đề tài nhỏ nhặt, nhiều tác phẩm là sự trải lòng, giãi bày tâm trạng của tác giả hoặc thiên nhiều về giải trí, chưa coi trọng nhiều đến chức năng giáo dục, nhận thức; những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng cao của công chúng và văn nghệ sĩ…
Để thực sự có những tác phẩm hay, mang đậm tính Chân- Thiện-Mỹ và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, Tạp chí Sông Thương cần thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sứ mệnh, chức năng, vai trò của văn học, nghệ thuật, đó là: “Trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hoá, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển đất nước, đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam hôm nay và nhiều năm tới. Đó cũng chính là sức mạnh chiến đấu đặc biệt của văn học, nghệ thuật thời kỳ mới”.
Quán triệt tư tưởng, tinh thần chỉ đạo trên của Tổng Bí thư, xuất phát từ thực tiễn hiện nay, trong thời gian tới, thiết nghĩ Tạp chí Sông Thương cần tập trung thực hiện tốt một số khuyến nghị giải pháp, cụ thể sau:
Một là,cần phát huy tối đa sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ và tính ưu việt, đặc trưng của các loại hình cụ thể như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian, lý luận, phê bình văn nghệ … để tạo nên tính đa dạng trong khám phá, sáng tạo cuộc sống và con người.
Hai là, để tác phẩm thực sự đạt tới Chân - Thiện - Mỹ, có sức lay động lòng người và cần thiết cho công chúng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn. Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ chính trị của xã hội nói chung của tỉnh nói riêng, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị Bắc Giang trong sạch, vững mạnh.
Ba là, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tạo điều kiện cho Văn học, nghệ thuật, cụ thể ở đây là Tạp chí Sông Thương có đủ điều kiện phát triển như: có cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí; tạo điều kiện cho xây dựng Trang Sông Thương điện tử để đáp ứng xu thế phát triển hiện nay.
Bốn là, bản thân Tạp chí Sông Thương phải tự đổi mới, nâng cao vị thế của mình bằng chính chất lương của các tác phẩm đến với công chúng như: chú trọng xây dựng, nâng cao trình độ, tay nghề chuyên môn đối với đội ngũ biên tập, thẩm định tác phẩm; phát hiện, khuyến khích, giúp đỡ các hội viên, tác giả, cộng tác viên có khả năng sáng tác, thường xuyên gửi bài cộng tác; lập kế hoạch đặt bài cụ thể đối với mỗi chi hội chuyên ngành; phối hợp với lãnh đạo Hội giao nhiệm vụ chuyên môn cho các Chi hội trưởng các chuyên ngành trong Ban chấp hành Hội; tăng cường tổ chức các chuyến đi thực tế cho hội viên, Ban biên tập trong tỉnh và ngoài tỉnh; mở trại sáng tác tập trung hoặc không tập trung tại tỉnh cho các hội viên chuyên ngành; tăng cường các bài viết lý luận; lựa chọn kỹ các tác phẩm VHNT để đăng tải; chú trọng đến lực lượng sáng tác dân tộc thiểu số của địa phương./.