Việt Yên: Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
Ngày đăng:19-11-2018
Trong những năm qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện Việt Yên đã từng bước được hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa, giữ gìn và phát huy những truyền tốt tốt đẹp, nét đẹp của văn hóa địa phương.
Ảnh minh họa
Hương ước, quy ước là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các nguyên tắc xử sự do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận và đặt ra để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính chất tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Từ năm 2017, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện tích cực tham mưu giúp Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư” huyện xây dựng đề cương hương ước, quy ước mẫu. Trên cơ sở đó, huyện đã triển khai làm điểm rà soát, sửa đổi, bổ sung tại 4 thôn của 4 khu dân cư khác nhau; phân công cán bộ về tận thôn để giúp các địa phương thực hiện.
Sau khi 4 thôn thực hiện làm điểm xong, Ban Chỉ đạo đã tổ chức rút kinh nghiệm, đồng thời triển khai nhân rộng trên toàn huyện. Theo đó, 150 thôn, khu phố còn lại đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng lại hương ước, quy ước trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực của hương ước, quy ước cũ, phù hợp với pháp luật hiện hành; trong đó, đặc biệt coi trọng sự hướng thiện và tình đoàn kết xóm làng, đồng thời phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gắn với xây dựng nông thôn mới.
UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước cho cán bộ tư pháp, cán bộ văn hóa xã và lãnh đạo các thôn, khu phố. Đến nay, toàn huyện đã có 154/154 hương ước, quy ước thôn, khu phố đã được UBND huyện phê duyệt. Các bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt đều quy định những nội dung cụ thể về các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, an ninh trật tự; quy định về xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa; quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội, bảo vệ môi trường, khuyến học, tổ chức các hoạt động và xây dựng khu sinh hoạt văn hóa…
Hương ước, quy ước mới không những có tác dụng giữ gìn, phát huy thuần phong, mỹ tục, giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống mà còn là công cụ hỗ trợ góp phần phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn… mới ở cơ sở. Các bản hương ước, quy ước đã hỗ trợ trong việc thực hiện pháp luật của nhà nước, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng động dân cư, thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Năm 2017, toàn huyện có gần 40.000 gia đình đạt gia đình văn hóa, đạt 88,4%; 125/154 tôn, khu phố được công nhân “Thôn, khu phố văn hóa”, đạt 81,2%.
Cùng với đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, khu đô thị văn minh”, việc thực hiện hương ước trong xây dựng đời sống mới tại cơ sở trên địa bàn huyện Việt Yên thời gian qua đã giúp khơi dạy và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái ở cộng đồng dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại bỏ, nhiều đám cưới theo nếp sống mới được thực hiện đơn giản, không tổ chức ăn uống linh đình, mời khách tràn lan mà vẫn đảm bảo trang trọng, ý nghĩa. Việc tang được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, đúng quy định. 100% số thôn, khu phố đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang thành điều khoản trong hương ước, quy ước của thôn. Một số thôn, khu phố vẫn duy trì được phong tục, tập quán thể hiện nét đẹp làng quê trong các bản hương ước như: coi trọng quan hệ họ tộc, xóm giềng, tôn ti trật tự trong làng, coi trọng người cao tuổi, sống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất và trong cuộc sống; thống nhất quy định cụ thể về ứng xử giao tiếp văn minh, giữ vững an ninh trật tự. Nhân dân các thôn, khu phố sống hòa thuận, đoàn kết, tương thân, tương ái, sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích chung của cộng đồng, tự nguyện hiến đất làm đường, hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, khu vui chơi thể dục thể thao…Việc đề ra các quy định về phát huy tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng của hương ước đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện và thực hiện tốt các chính sách xã hội trên địa bàn. Nhận thức về bình đẳng giới, về bạo lực gia đình của người dân được nâng cao. Nhiều thôn, khu phố trong nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3. Việc tổ chức việc cưới linh đình, nhiều ngày đã được hạn chế hơn. Nhận thức của người dân về đảm bảo vệ sinh, môi trường. Việc thực hiện hương ước góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại các thôn; hạn chế việc tranh chấp, khiếu kiện; giúp công tác hòa giải đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, nhiều giá trị văn hóa truyền thống như quan hệ gia đình, làng xóm, lễ hội, phong tục, tập quán có lúc, có nơi bị xem thường, cùng với đó là sự phục hồi những hủ tục… đang có biểu hiện xuất hiện trở lại. Việc xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước ở một số địa phương đang hành chính hóa, chưa có sự tham gia tích cực của người dân. Vì vậy, nội dung hương ước, quy ước thường rập khuôn, cứng nhắc, không thể hiện được nét đặc trưng của thôn, khu phố, cũng chưa thực sự sát với đời sống nhân dân.
Từ thực tế trên, hơn lúc nào hết, việc phát huy vai trò của hương ước trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện Việt Yên nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng đang ngày càng trở nên bức thiết. Để phát huy vai trò, tác dụng, hiệu quả của hương ước, quy ước, cần thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và điều kiện cụ thể ở khu dân cư theo hướng thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Cần tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở trong xây dựng hương ước, quy ước; tạo điều kiện cho cán bộ được trao đổi, học tập kinh nghiệm ở những nơi làm tốt để vận dụng vào thực tiễn địa phương; đồng thời tiến hành bình xét, biểu dương kịp thời các gia đình gương mẫu, thực hiện tốt; duy trì và phát triển phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa.