Việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng và số lượng có vai trò quan trọng trong thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, để đội ngũ giáo viên đủ năng lực, tự tin, việc đổi mới cần được bắt đầu từ các trường sư phạm.
Chia sẻ, trao đổi phương pháp mới cho sinh viên sư phạm luôn được Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chú trọng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), yếu tố chủ chốt mang lại thành công khi thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là đội ngũ giáo viên. Vì vậy, để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới đòi hỏi sự chuyển biến tích cực bắt đầu từ các trường sư phạm. Hiện nay, cả nước có 133 trường, khoa sư phạm. Tuy nhiên, một thời gian dài, nhiều trường sư phạm đào tạo sinh viên theo năng lực “mình có” mà không bám sát với nhu cầu về đội ngũ từ thực tế nhà trường mầm non, phổ thông. Mặt khác, các trường sư phạm chậm thay đổi so với những đổi mới của giáo dục mầm non, phổ thông. Trong khi đó, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra còn chưa chú trọng phát triển năng lực người học…
Vì vậy, để đổi mới chương trình, sách giáo khoa một cách hiệu quả, các trường, khoa sư phạm cần vào cuộc. Ngay trong mỗi trường, khoa sư phạm phải nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp và đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo hướng thực học, thực nghiệp.
PGS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội cho rằng: Với những đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi giảng viên cũng cần được trang bị nhiều năng lực mới. Vì vậy, chương trình đào tạo của các trường sư phạm có thể chia thành hai nhóm đào tạo giáo viên có khả năng dạy kiến thức tích hợp và phân hóa; đào tạo giáo viên dạy các môn chuyên biệt. Đại diện Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cho rằng, để đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên, các trường, khoa sư phạm cần đổi mới hoạt động đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo hướng tiếp cận năng lực. Điều đó thể hiện thông qua việc phát triển chương trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên bảo đảm bốn năng lực cần thiết gồm: Phát triển chương trình đào tạo; tổ chức dạy học và đánh giá; năng lực tự bồi dưỡng về học vấn giáo dục đại học; năng lực hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu.
Cùng tiếp cận từ năng lực đội ngũ giảng viên trong các trường sư phạm, PGS TS. Nguyễn Thị Hường (Trường ĐH Vinh) nhìn nhận: Thực tiễn cho thấy năng lực của đội ngũ giảng viên còn nhiều bất cập, nhất là năng lực sư phạm và năng lực nghiên cứu khoa học. Các trường trên cơ sở nghiên cứu thực trạng đổi mới giáo dục phổ thông, những năng lực mà người giáo viên phổ thông cần có để rà soát, xây dựng lại chương trình đào tạo sao cho sinh viên ra trường có thể thích ứng nhanh với thực tiễn giáo dục phổ thông, đáp ứng tốt yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp. Một trong những định hướng cơ bản của đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 là tiếp cận năng lực học sinh, trong đó chương trình được biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp dưới và phân hóa ở các lớp trên. Để đáp ứng yêu cầu đó, đòi hỏi người giáo viên phổ thông phải có các kỹ năng xây dựng và phát triển chương trình, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học khác nhau để phát triển được năng lực thực tiễn của học sinh. Vì vậy, chương trình đào tạo ở trường sư phạm cần xây dựng như thế nào để sinh viên ra trường có thể dạy theo hướng tích hợp và phân hóa tốt. Mặt khác, trong chương trình đào tạo cần tăng cường thời lượng rèn luyện sư phạm thường xuyên cho sinh viên, cần bắt đầu từ học kỳ hai của chương trình đào tạo. Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình tiên tiến ở các trường sư phạm.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển: Để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, Bộ đã chỉ đạo bảy trường đại học sư phạm trọng điểm tham gia đóng góp xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; chủ động tham gia nghiên cứu, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện… Ngoài ra, các trường sư phạm cùng phối hợp để khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm bắt đầu từ năm học 2016 - 2017 tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện chương trình đào tạo mới. Thực hiện triển khai việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đáng chú ý, để đổi mới hiệu quả, các trường cần tích cực, chủ động phối hợp các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục phổ thông thiết lập hệ thống trường thực hành sư phạm bảo đảm đến năm học 2016-2017 tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên có mạng lưới trường thực hành sư phạm đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới giáo dục phổ thông…
Đội ngũ giảng viên các trường sư phạm ngày càng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Trong đó, các trường đại học sư phạm hiện có 4.490 giảng viên (gồm 5,2% có chức danh GS, PGS; 13,7% có trình độ tiến sĩ khoa học và tiến sĩ; 48,7% có trình độ thạc sĩ); các trường cao đẳng sư phạm có 3.543 giảng viên (gồm 0,07% có chức danh GS, PGS; 0,93% có trình độ tiến sĩ và 36,89% có trình độ thạc sĩ).