Nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong đảng bộ tỉnh
Ngày đăng:12-09-2018
Công tác giáo dục lý luận chính trị là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng bộ, đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và sự phát triển về mọi mặt của tỉnh.
Ảnh minh họa
Thời gian qua, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở quan tâm công tác giáo dục lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nhờ vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên được quan tâm triển khai thực hiện. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, tỉnh đã cử đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị 254 đồng chí, trung cấp lý luận chính trị 1.480 đồng chí, bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp 2.300 đồng chí, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ 4.910 lượt cán bộ.
Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn đã được chú trọng. Từ đầu nhiệm kỳ, đã tiến hành sơ kết, tổng kết 14 nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Trung ương về công tác tư tưởng; tổ chức 46 cuộc hội thảo, tọa đàm; có 36 đề tài khoa học cấp tỉnh, 62 đề tài khoa học cấp cơ sở về lĩnh vực chính trị- xã hội, nhân văn được triển khai nghiên cứu, áp dụng.
Chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố được nâng lên. Đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức, giảng viên giảng dạy các bộ môn chính trị ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân ở các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh thường xuyên được củng cố, kiện toàn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Ý thức trau dồi, nâng cao trình độ lý luận chính trị của một số cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các các cấp còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục lý luận chính trị nhìn chung còn thiếu và yếu về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ nhiệm vụ chuyên môn; chế độ đãi ngộ phục vụ cho công tác giáo dục lý luận chính trị còn bất cập. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận ở các cấp còn yếu.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị ở Đảng bộ tỉnh những năm tới, các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội, của đảng viên, cán bộ về vị trí, vai trò của công tác giáo dục lý luận trong công tác tư tưởng nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận trên các lĩnh vực.
Hai là, Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là ở cơ sở hiện nay. Việc học tập, triển khai thực hiện nghị quyết phải bám sát tới đối tượng; nội dung chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết phải gắn với tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ba là, Thực hiện nền nếp việc thực hiện các chương trình học tập lý luận chính trị bắt buộc đối với từng đối tượng cán bộ, đảng viên theo Quy định 54 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận trong Đảng. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ tốt, đáp ứng được yếu cầu trong tình hình mới.
Bốn là, Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ nhiệm vụ chuyên môn; thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức, nhất là đội ngũ giảng viên; chú trọng đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng học viên.
Năm là, Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp, công tác tuyên truyền miệng, duy trì tốt các hội nghị thông tin theo quy định. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội, kịp thời phát hiện, định hướng và có biện pháp giải quyết phù hợp những vấn đề phát sinh.
Sáu là,Chủ động xây dựng lực lượng, phương thức đấu tranh có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch; làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và hoạt động chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch.Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng