Là người con của vùng đất Trí Yên, huyện Yên Dũng, nơi có ngôi chùa Vĩnh Nghiêm - trường Đại học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, là chốn đi về giảng kinh thuyết pháp của ba vị tổ thuyền phái Trúc Lâm; Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang. Nói về chốn tổ này đã có câu ca lưu truyền đến bây giờ:
"Ai qua Yên Tử - Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa thành".
Chốn cửa thiền này đã di dưỡng tinh thần cho bao con người chuyên tâm chữ Thiện. Bởi thế mà người Đức La - Trí Yên hiền lành, biết nghĩ nhiều cho người khác, trong đó có người thầy giáo này – thày Vũ Trí Tiến. Sinh ra từ Yên Dũng, dạy học ở chính quê hương mình; 39 năm gắn bó với ngành giáo dục Yên Dũng, trong đó 25 năm giữ vai trò hiệu trưởng, 8 năm chuyên viên phòng giáo dục với chức trách chủ tịch công đoàn phòng; 2 năm làm hiệu phó trường bổ túc văn hóa xã Trí Yên, làm hiệu trưởng trường THCS Trí Yên. Là người có công đầu trong việc di chuyển trường phổ thông cơ sở xã Trí Yên từ nơi đất trũng về nơi đất mới cao đẹp - khang trang. Có được sự thay đổi bứt phá này, thầy hiệu trưởng nhà trường đã phải dũng cảm làm những việc không phải chức trách của mình là: ký với bà con, chịu trách nhiệm đền bù di chuyển đất ở, giải phóng mặt bằng cho ngôi trường mới. Chủ trương đúng, đáp ứng được lòng dân, được các cấp chính quyền, các bậc phụ huynh học sinh, trường THCS Trí Yên và nhân dân ghi nhận, thầy đã thành công.
Còn nhớ có những mùa khai giảng học trò phải đi đò. Chờ nước rút thì trường lớp tan hoang, ngập ngụa bùn đất và rác thải. Thầy và trò lại vất vả khắc phục hậu quả. Muốn xây dựng một bồn hoa trên sân trường, một vườn thực vật cho các em thực hành cũng là quá khó. Đi đến các trường khác, nhìn quang cảnh xanh tươi hoa lá, nghĩ chạnh lòng cho trường của mình, thương đồng nghiệp, thương trò phải chịu thiệt thòi. Bao trăn trở, nhưng để thực hiện thì khó khăn chồng chất, vì thực tế Trí Yên quê tôi là một vùng đất trũng, được mệnh danh là rốn nước của huyện Yên Dũng. Úng lụt đã làm cho Trí Yên nghèo. Các thầy cô giáo người Trí Yên như tôi, cũng phải chịu chung cảnh ấy. Nhưng cho đến bây giờ giai đoạn ấy qua rồi. Trường THCS Trí Yên đã trở thành trường chuẩn Quốc gia. Quê Trí Yên đang từng ngày vượt qua nghèo khó vươn tới mạnh giầu. Nhớ lại cảnh trường xưa, nhìn vào cảnh trường nay, mặc dù đã phải nghỉ hưu, tôi thấy lòng mình thanh thản vì đã được góp ý chí quyết tâm cho sự đổi mới của quê nhà. Nhìn vào gương mặt thầy, tôi nhận ra thầy đang hạnh phúc. Biết thầy đã về nghỉ hưu, cho đến năm 2015 này là đã được 5 năm, song, ai cũng bảo thầy vẫn còn say lắm với công việc. Tôi mạnh dạn hỏi thầy về điều này, thầy sôi nổi kể ngay. Nghỉ hưu tôi bâng khuâng vì nhớ trường, nhớ đồng nghiệp, nhớ trò, tôi vẫn muốn được tiếp tục làm việc gì đó để sống gần gũi với đồng nghiệp như thủa nào. Tôi biết Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Giang đã ra đời với phương châm tạo nên ngôi nhà chung cho thầy cô giáo nghỉ hưu. Được sự tín nhiệm của đồng nghiệp tôi được bầu làm chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Trí Yên, tháng 1 năm 2011 được bầu làm Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Yên Dũng. Tháng 10/2011 được bầu làm phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Trí Yên. Tôi vui lắm, vì như vậy, tôi lại có cơ hội được gần gũi đồng nghiệp và học trò của tôi. Để cho hoạt động khuyến học có hiệu quả, đáp ứng được mục đích của Hội là động viên các em chăm ngoan học giỏi và tu luyện thành tài, tôi đặc biệt chú ý đến việc xây dựng quỹ. Để xây dựng quỹ khuyến học của xã Trí Yên có được 240 triệu đồng, một con số thực mà cứ ngỡ là mơ, tôi cảm ơn nhiều lắm những tấm lòng thơm thảo, biết trọng tri thức mà gom góp vun trồng. Đó là các nhà hảo tâm, con em xã Trí Yên thành đạt, số quỹ ấy hàng năm Hội khuyến học xã tôi trích ra tặng thưởng cho các thầy cô giáo và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, giảng dạy và giáo dục trên địa bàn toàn xã. Thầy và trò phấn khởi mà cố gắng vươn lên. Hội khuyến học của xã Trí Yên được công nhận đơn vị tiêu biểu của huyện Yên Dũng. Còn với Hội Cựu giáo chức xã Trí Yên trở thành một trong những Hội mạnh của Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Giang.
Tôi ngắt lời thầy: còn thầy, thầy gặt hái được điều gì?
Ngập ngừng một chút thầy nói: Tôi gặt hái được niềm vui bởi niềm tin yêu của mọi người, tôi được TW Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen, TW Hội Cựu giáo chức Việt Nam tặng Bằng khen. Đó là sự ghi nhận quý giá của mọi người giành cho tôi.
- Cùng với Bằng khen này, trước đó, những năm tháng thầy còn công tác trong ngành giáo dục, thầy có được những vinh danh gì, sau những cống hiến của thầy?
- Tôi được tặng Bằng khen của UBND tỉnh; Bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh và còn một số ghi nhận khác. Thầy nói vậy và thầy cười thật hiền. Tôi thấy mình thật vô tình, nếu không hỏi thăm cuộc sống của thầy trong hiện tại. Khi hỏi về điều này, thầy kể thật say sưa. Chúng tôi có 4 người con trai, các cháu đều tốt nghiệp đại học, tôi có 4 con dâu theo nghề dạy học. Tôi rất mừng vì dâu con nhà tôi đều là công dân tốt, những cán bộ gương mẫu, hiếu thảo với cha mẹ, thuận hòa trong gia đình. Có được điều này, tôi cảm ơn vợ mình nhiều lắm! Bây giờ, chỉ còn lại hai vợ chồng tôi, chúng tôi phát triển kinh tế gia đình theo mô hình vườn - ao - chuồng, cho thu nhập bình quân mỗi năm 60 đến 70 triệu đồng. Vợ tôi còn phát huy nghề truyền thống của quê hương là làm tương cung cấp cho bà con xóm xã được sử dụng nước tương truyền thống: lên men từ gạo nếp - đỗ tương, vừa lành lại vừa ngon. Mỗi khi động viên vợ cho vui, tôi lại đọc cho bà ấy nghe câu thơ:
"Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương"...
Đọc xong câu thơ, thầy cười thật lớn. Tôi đọc được trong thầy một niềm vui mãn nguyện.
Buổi sáng Trí Yên thật thanh bình, không phải chỉ nơi đây là đất phật, nó thanh bình, bởi có nhiều lắm, những con người mộc hiền như đất. và có những người dám dũng cảm thay đổi cái cũ để dựng xây cái mới tốt đẹp; biết trọng tri thức và có ý thức góp sức mình vun trồng tri thức như thầy Vũ Trí Tiến - người thầy là nhân vật chính trong câu chuyện mà tôi kể hôm nay.
Theo Những tấm gương tiêu biểu (Hội Cựu giáo chức Bắc Giang)