Công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng:09-08-2018
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với các tổ chức cơ sở Đảng, nhất là việc kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Đối với cấp huyện, Ban thường vụ huyện ủy đã phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên phụ trách địa bàn bám sát cơ sở, nắm vững tình hình, chỉ đạo xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố các mặt hạn chế, yếu kém.
Hàng năm, các cấp ủy chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên; kết hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra Nhà nước và giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; tập trung vào việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những vị trí quan trọng, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm; chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tăng cường kiểm tra các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Công tác quản lý và phân công nhiệm vụ cho đảng viên được thực hiện nghiêm túc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn quản lý, phân công công tác cho đảng viên. Theo đó, cấp ủy cấp huyện chỉ đạo các chi, đảng bộ rà soát, phân công nhiệm vụ phù hợp với sức khỏe, năng lực của đảng viên. Việc quản lý đảng viên được thực hiện chặt chẽ, đảng viên đi làm kinh tế xa nhà, xuất khẩu lao động được chuyển sinh hoạt đảng theo quy định.
Việc thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị về đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ và thực hiện nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú nền nếp hơn, giúp cho việc nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, đảng viên chính xác hơn.
Việc đánh giá chất lượng đảng viên được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cùng với cam kết của cán bộ, đảng viên trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Việc rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng được thực hiện nghiêm túc, cụ thể: từ nhiệm kỳ 2010-2015 đến nay, đã sàng lọc đưa 1.555 đảng viên ra khỏi Đảng. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên, tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng 4%; số đảng viên vi phạm tư cách, không hoàn thành nhiệm vụ giảm 0,04%.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đã quan tâm nắm tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, tích cực thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội; Quy định về MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thự hiện Quyết định số 1158-QĐ/TU ngày 09/7/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành quy chế chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nghiêm túc thực hiện; trung bình mỗi năm toàn tỉnh tổ chức được trên 700 cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh do HĐND cấp xã bầu đối với 1.479 đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên UBND xã, phường, thị trấ giữa nhiệm kỳ 2010-2015. Kết quả có 941 đồng chí được trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm cao, 163 đồng chí được đánh giá tín nhiệm; 9 đồng chí bị đánh giá tín nhiệm thấp. Căn cứ kết quả bỏ phiếu, các đơn vị đã chỉ đạo bố trí công tác khác đối với các đồng chí bị đánh giá tín nhiệm thấp. Bên cạnh đó, đã chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng, tạo điều kiện để tập trung giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, như: quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý tài chính..., góp phần hạn chế vi phạm trong quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.