Những đóng góp xứng đáng của Bắc Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Ngày đăng:27-04-2018
Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuổi trẻ Bắc Giang xung phong tình nguyện lên đường đi chiến đấu. Từ cuối năm 1958, cơ quan quân sự địa phương các cấp tổ chức cho thanh niên tuổi từ 18 đến 32 đăng ký tham gia lực lượng dự bị quân đội. Năm 1959, gần 2000 thanh niên toàn tỉnh tham gia bộ đội chủ lực, nhiều thanh niên dùng máu của mình ký đơn tình nguyện đi đánh giặc. Những khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thóc đủ quân, quân đủ số”, “Toàn tỉnh ra quân, toàn dân ra trận”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”…, được phát động sâu rộng trong nhân dân.
Ảnh minh họa
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965) là hoàn thành bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, xác lập vững chắc quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; đồng thời hoàn thành nghĩa vụ đối với sự nghiệp cách mạng miền Nam, Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang (trước đây là Hà Bắc) không ngừng phấn đấu vượt mọi thử thách và khó khăn gian khổ giành thắng lợi quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, ra sức thực hiện, hoàn thành kế hoạch, cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trên quê hương bước đầu được xây dựng. Từ đầu năm 1965, không quân và hải quân Mỹ đãnh phá liên tục và ngày càng ác liệt từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc. Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 28-8-1965, Tỉnh uỷ ra Nghị quyết lãnh đạo chuyển hướng toàn diện tư tưởng, tổ chức, kinh tế, xã hội và quốc phòng sang thời chiến.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, từ giữa năm 1964, phong trào cách mạng: "Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt" sôi động ở các ngành, các cấp, các giới, các lứa tuổi và ở khắp các địa phương trong tỉnh. Năm 1965, thanh niên, phụ nữ toàn tỉnh phát động trong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang". Năm nào cũng có hàng chục nghìn thanh niên trai tráng tự nguyện đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, tham gia dân quân tự vệ trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông, giải toả hàng hoá và luôn luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ đột xuất. Nhiều lá đơn tình nguyện lên đường chiến đấu được ký bằng máu. Khi thất bại trong áp dụng “chiến tranh đặc biệt” và “ chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, giặc Mỹ đã điên cuồng thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Với mạng lưới giao thông vận tải qua Bắc Giang là hướng chủ yếu đảm bảo sự thông thương giữa nước ta với các nước anh em bầu bạn (khi mạng lưới giao thông đường biển bị phong tỏa); đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn Bắc Giang. Lúc này, đảm bảo giao thông thông suốt là nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất chiến lược của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tỉnh uỷ quyết định thành lập Ban bảo đảm giao thông vận tải từ tỉnh đến cơ sở do cấp uỷ các cấp trực tiếp lãnh đạo, thành phần gồm các ngành giao thông, quân sự, công an và thành lập các đơn vị giao thông chuyên môn, lấy lực lượng dân quân làm nòng cốt để rà phá bom đạn chưa nổ, sửa chữa đường sá, cầu cống, làm thêm đường vòng, đường tránh, bến bãi... Ngay cả lúc chiến sự và bão lụt ác liệt nhất, tỉnh cũng không để gián đoạn giao thông đường bộ quá 24 giờ, đường sắt quá 2 tuần lễ. Trong khói lửa đạn bom, hàng chục kilômét đường vòng, đường tránh, nhiều cầu phao, bến phà, hàng trăm cầu cống lớn nhỏ được sửa chữa và làm mới. Nhiều con đường vòng, tránh ở thị xã Bắc Giang, cầu Đáp Cầu, ga Sen Hồ, Hương Vĩ, Bố Hạ, Kép... dài hàng chục kilômét được xây dựng, sửa chữa và dựng mới một loạt bến phà ở thị xã Bắc Giang, Đáp Cầu, Bến Lường, Đông Xuyên, Bến Tuần, Bến Đám, Trúc Tay, Lục Nam. Ở một số đoạn sông xung yếu đều có chuẩn bị sẵn các vật liệu làm cầu phao khi cần thiết. Từ năm 1966 đến năm 1968, tỉnh huy động 6.302 người, chủ yếu là nhân dân các xã xung quanh sân bay Kép, làm 17.842 ngày công sửa chữa gấp sân bay, góp phần đảm bảo cho máy bay sẵn sàng chiến đấu, huy động hàng chục nghìn ngày công đảm bảo giao thông, giải toả hàng hoá.
Ảnh minh họa
Từ tháng 5/1965 Tỉnh uỷ lãnh đạo tiến hành xây dựng các đơn vị bộ binh, công binh, cao xạ và phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ các mục tiêu quan trọng. Sau hàng chục lần thăm dò, trinh sát, ngày 24-6-1965, một tốp máy bay địch xâm phạm bầu trời Bắc Giang, song chúng chưa kịp gây tội ác đã bị không quân ta đánh đuổi. Máy bay Mỹ bắn phá nhiều lần, gây nhiều đau thương tang tóc, phá hoại nhiều tài sản của nhân dân trong tỉnh, nhưng lần nào chúng cũng bị quân dân Bắc Giang đánh trả quyết liệt, bị trừng trị những đòn đích đáng. Ngày 20-9-1965, máy bay địch ném bom bắn phá cầu Lường, Kè Sơn và một số mục tiêu khác trên đường 1A đoạn qua tỉnh Bắc Giang. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân ở 38 xã trong địa bàn bị địch bắn phá, giăng lưới lửa dày đặc đánh địch quyết liệt, bắn rơi 3 máy bay, bắn thị thương một số chiếc khác. Trong trận này, tổ dân quân trực chiến xã Dương Hưu (Sơn Động), bằng 7 loạt đạn súng trường đã bắn rơi chiếc máy bay A4E của hải quân Mỹ. Ngày 5-10-1965, địch cho máy bay bắn phá nhiều mục tiêu trên đoạn đường 1A và lại bị quân dân Bắc Giang anh dũng đánh trả, bắn rơi hai máy bay, trong đó Đại đội 44 của tỉnh bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay F105E, bắt sống một tên giặc lái. Ngày 17-10-1965, máy bay giặc Mỹ đánh vào một số địa phương thuộc huyện Lục Ngạn và đã bị quân dân ta bắn rơi 2 chiếc. Với những thành tích đã đạt được, nhất là thành tích đánh trả máy bay địch, tháng 10-1965, quân, dân và Đảng bộ tỉnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng "Cờ thưởng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965- 1968), Cầu sắt Bắc Giang trên sông Thương dài 170m là “tọa độ lửa”, địa điểm giặc Mỹ tập trung đánh phá. Trong 4 năm, đế quốc Mỹ đã huy động 1.040 lần chiếc máy bay các loại đánh 49 đợt lớn vào cầu. Chúng đã thả xuống cầu 1.336 quả bom phá, 879 bom sát thương và hàng nghìn quả tên lửa, bom bi các loại. Chúng đã phá hỏng cầu nhiều lần. Trụ vững trên trận địa bảo vệ cầu Bắc Giang suốt 592 ngày đêm, Trung đoàn 216 thuộc Bộ tư lệnh Phòng không Hà Bắc đã được nhân dân, dân quân tự vệ thị xã Bắc Giang, chủ yếu là xã Đa Mai giúp đỡ, phục vụ và sát cánh chiến đấu. Bị địch đánh phá trực tiếp vào trận địa của bộ đội 155 lần, vào trận địa của dân quân nhiều lần, song bộ đội Trung đoàn 216 và dân quân du kích Đa Mai vẫn kiên cường chiến đấu để bảo vệ mục tiêu và bắn rơi tại chỗ 17 máy bay giặc Mỹ.
Từ tháng 8/1966 đế quốc Mỹ đánh phá tỉnh Bắc Giang ác liệt hơn. Chúng bắn phá cả ban ngày và ban đêm, có những mục tiêu bị chúng đánh phá nhiều lần, đồng thời tiến hành chiến tranh tâm lý, thả truyền đơn, tiền giả, đồ chơi, quần áo trẻ em... hòng gây hoàng mang trong nhân dân. Địa bàn đánh phá ác liệt nhất vẫn là thị xã Bắc Giang, huyện Lạng Giang và huyện Việt Yên. Ở ba địa bàn trọng điểm này, bom đạn giặc Mỹ đã giết hại và làm bị thương nhiều người, phá hỏng nhiều đoạn đê, kè cống, phá huỷ 1.300 gian nhà, hàng chục tấn xăng dầu và nhiều tài sản khác của Nhà nước và nhân dân. Năm 1966 máy bay giặc Mỹ đã gây cho ta nhiều thiệt hại, song lực lượng và tinh thần chiến đấu của ta rất vững vàng. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, an ninh trật tự được giữ vững, kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển, giao thông vận tải, thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt, quyết tâm đánh Mỹ của Đảng bộ và nhân dân tiếp tục được nâng cao.
Trong năm 1972, mặc dù phải tiến hành chống chiến tranh phá hoại, Bắc Giang vẫn nỗ lực thực hiện bằng được nhiệm vụ chi viện sức người sức của cho tiền tuyến; bảo đảm bằng được nhiệm vụ bảo vệ, chuyển tải hàng hóa; kiên quyết thực hiện khẩu hiệu “địch đánh, ta cứ đi”. Trong khói lửa đạn bom ác liệt bộ đội, thanh niên, dân quân và nhân dân trong tỉnh không sợ hiểm nguy, vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ sửa chữa sân bay Kép, đảm bảo chiến đấu liên tục. Các đoạn đường, cầu cống bị bom đạn phá hoại được khắc phục nhanh chóng, giữ vững mạch máu giao thông. Nhiều con đường, cầu cống, bến phà mới được xây dựng, đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn cuộc kháng chiến và công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của địa phương. Bom đạn giặc đã gây nhiều tội ác, song chúng bị đánh trả và trừng trị đích đáng, 162 máy bay bị bắn hạ, nhiều giặc lái bị bắt sống.
Kết thúc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đi ngay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; thực hiện đầy đủ và kịp thời mọi nghĩa vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những phong trào “Ba giỏi”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Nghìn việc tốt”, “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Vững tay búa, chắc tay súng”…tiếp tục phát triển ở khắp các địa phương, cơ quan, xí nghiệp, nông lâm trường. Những khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Cả nước ra quân, toàn dân ra trận”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”…. được các ngành, các giới, các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực. Những rừng cây Bác Hồ, cánh đồng cao sản, những công trình vượt trước kế hoạch thời gian…xuất hiện ở nhiều địa phương, đơn vị, những ngày hội giao quân, hội giao lương được tổ chức sôi động ở khắp các làng quê.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước yêu cầu chi viện sức người, sức của ngày càng lớn. Nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, hàng năm Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tuyển quân. Năm 1974, tỉnh tuyển quân làm nhiều đợt, số lượng lớn hơn trước, song vẫn hoàn thành vượt mức thời gian, vượt số lượng và đảm bảo chất lượng. Với thành tích của công tác quân sự địa phương năm 1974, tỉnh được Chính phủ tặng bằng khen, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lãng hoa nhân dịp đón xuân Ất Mão (1975).
Năm 1975, yêu cầu chi viện sức người cho chiến trường miền Nam hết sức to lớn và cấp bách. Do đó nhiệm vụ tuyển quân của tỉnh được đặt lên vị trí hàng đầu. Ngày 8/2/1975, chỉ trong một ngày huyện Việt Yên đã giao gọn và là huyện đầu tiên trong Quân khu hoàn thành vượt chỉ tiêu quân số. Đến ngày 28/2/1975 tất cả các huyện, thị xã của tỉnh giao quân đều đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Huyện Việt Yên, Yên Thế được Quân khu khen: “Đơn vị tuyển quân giỏi năm 1975”, tỉnh được Quân khu biểu dương, khen ngợi. Thực hiện nghĩa vụ quân sự, tỉnh Bắc Giang đã đưa trên 70.000 người con thân yêu lên đường chiến đấu, lập công xuất sắc.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ cách mạng tung bay trên đỉnh dinh “Độc lập” - Phủ tổng thống nguỵ Sài Gòn. Miền Nam đã được giải phóng, cách mạng đã toàn thắng. Trong thắng lợi vẻ vang ấy, có những nỗ lực không ngừng, có sự đóng góp mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của người dân Hà Bắc nói chung và Bắc Giang nói riêng.
Những đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của, những chiến công oanh liệt của quân, dân tỉnh Hà Bắc trước đây và tỉnh Bắc Giang hiện nay cũng như những mất mát, hy sinh trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; tỉnh Bắc Giang,10 huyện, thành phố và 46 tập thể, 28 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 1.366 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ảnh minh họa
Khi đất nước thống nhất cùng với cả nước, Bắc Giang lại vững bước đi vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Khắc phục những hậu quả tàn phá nặng nề của chiến tranh, sự bao vây, cấm vận của kẻ thù; đồng thời thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng từ Đại hội VI (1986), đảng bộ, chính quyền tỉnh đã cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân khắc phục mọi khó khăn, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân những năm gần đây liên tục phát triển. Thời kỳ 1997-2000 đạt 6,9%/năm, thời kỳ 2001 - 2005 đạt 8,33%/năm, thời kỳ 2006 - 2010 đạt 9%/năm, thời kỳ 2011 - 2015 đạt 9,4%/năm. Năm 2017, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu khởi sắc; 13/17 chỉ tiêu chủ yếu đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. GRDP bình quân/người ước đạt 1.800 USD, tăng 124 USD so với năm 2016. Cùng với đó là công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính được đẩy mạnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhiều công trình trọng điểm được khởi công xây dựng.
Với sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, chúng ta tin tưởng cùng với cả nước, Bắc Giang sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc. Vị thế, hình ảnh của Bắc Giang được nâng lên tầm cao mới./.